Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo

03:00 PM 20/08/2021 |   Lượt xem: 73 |   In bài viết | 

Niềm vui trong lao động, sản xuất (ảnh tư liệu).

Mục đích của Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước, phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Dự thảo Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025: tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm bình quân trên 3%/năm; phấn đấu 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và cơ bản hỗ trợ xóa nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Đến năm 2030: Phấn đấu cơ bản các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Để đạt mục tiêu trên, dự thảo Kế hoạch xác định cần triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo.

Trong đó, để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo, dự thảo nêu rõ: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về công tác giảm nghèo. Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) hằng năm, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 của các cấp, các ngành, địa phương.

Về hoàn thiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, dự thảo xác định rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân như chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, các chính sách tín dụng xã hội, chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về nhà ở, nước sạch. Nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn; đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi theo hướng mở rộng đối tượng và hình thức cho vay, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay; gắn hoạt động tín dụng ưu đãi với các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách giải quyết nhu cầu về nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại địa bàn các huyện nghèo. Đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư để hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tiếp cận thông tin, hỗ trợ pháp lý, nhất là đối với đồng bào DTTS, người dân ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Nhà nước ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người nghèo; nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình, phong trào, chính sách. Tập trung nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp nâng cao trình độ, kiến thức sản xuất, tạo việc làm cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước dành cho tín dụng chính sách xã hội hằng năm đạt bình quân từ 10% trở lên. Nghiên cứu ban hành và thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân...

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW  ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Thanh Hải