Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam

09:00 AM 21/08/2021 |   Lượt xem: 706 |   In bài viết | 

Màn xòe Thái tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2018 (ảnh: baodantoc.vn).

Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian), lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những loại hình lễ hội đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2020, nước ta có 8.274 lễ hội truyền thống, 297 lễ hội văn hóa, 18 lễ hội ngành nghề và 09 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

Năm 2020, Bộ VHTT&DL lựa chọn 07 lễ hội truyền thống các DTTS cần được phục dựng, bảo tồn gồm: Lễ hội truyền thống dân tộc Lào (Điện Biên); Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí (Quang Bình, Hà Giang); Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang); Lễ hội truyền thống dân tộc Thái (Yên Bái); Lễ hội truyền thống tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống dân tộc Si La (Lai Châu); Lễ hội truyền thống dân tộc Gia rai (Kon Tum).

Bộ VHTT&DL cũng đề ra những nội dung cần lưu ý khi tổ chức phục dựng lễ hội, như: Chỉ tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống các DTTS trên địa bàn. Thông qua lễ hội, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép đưa các yếu tố văn hóa mới tiến bộ nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng. Chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội, kể cả trong hành lễ cũng như trong phần hội, tránh khiên cưỡng, áp đặt; tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội gây phản cảm và xa lạ với đồng bào DTTS.

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã được Bộ VHTT&DL triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được Bộ VHTT&DL hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn phát triển du lịch với khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa.

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch, ngành du lịch cũng đã chọn 15 lễ hội tiêu biểu của các vùng miền, các dân tộc trong đó có lễ hội xuống đồng (lễ hội Lồng Tồng) của dân tộc Tày, lễ hội Ka Tê của dân tộc Chăm, lễ hội Oóc Om bok của người Khmer Nam bộ... để đầu tư, chuẩn hóa với mục đích vừa bảo đảm tính khoa học trong công tác tổ chức, yếu tố văn hóa, vừa đáp ứng yêu cầu của khách du lịch. Việc phục hồi và tổ chức lễ hội truyền thống các DTTS ở các tỉnh miền núi đã thu hút một lượng khách du lịch đáng kể, nhất là khách du lịch trong nước, làm thay đổi bộ mặt, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam. Qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội; góp phần chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội truyền thống Việt Nam, kết nối Internet phục vụ nhu cầu tra cứu, sử dụng và quảng bá về giá trị văn hóa của lễ hội Việt Nam.

Công tác rà soát, số hóa dữ liệu lễ hội không chỉ thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, mà còn có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS Việt Nam. Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được khơi dậy, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Nhiều phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, góp phần xây dựng nếp sống văn minh tại các thôn, bản. Cùng với đó, tăng cường đầu tư xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo.

Thanh Hải