Các nội dung chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 5 năm 2021-2025
10:11 AM 25/11/2021 | Lượt xem: 2750 In bài viết |CÂU HỎI
Nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển, giảm dần địa bàn khó khăn, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước. Ủy ban Dân tộc đã xây dựng chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 5 năm 2021-2025 như thế nào?
TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO
Để đạt được mục đích nêu trên, ngày 28/9/2021, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-UBDT về chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 5 năm 2021-2025 nhằm triển khai đồng bộ, là cơ sở để các cơ quan làm công tác dân tộc các tỉnh, thành phố tập trung tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN với phương châm hành động “Tập trung cao độ trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 ”.
Chương trình hành động có 9 mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 đó là: (1) Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; (2) Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; (3) 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, 100% số trường lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, 90% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợpvệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; (4) hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, sắp xếp, bố trí, ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch, quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lãnh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; (5) Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông,viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; (6) Tăng cường công tác ý tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN, 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ xuống dưới 15%; (7) 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu điều kiện của người DTTS; (8) Bảo tồn và phát triển các giá trị , bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 50% thôn có nhà văn hóa, văn nghệ ( câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; (9) Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.
Cùng với 9 mục tiêu cụ thể, Chương trình hành động xây dựng 13 nhiệm vụ đó là:
(1) Cụ thể hóa tổ chức triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030 gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới;
(2) Tăng cường rà soát sửa đổi bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, hoàn thiện quy trình xây dựng nhằm nâng cao chất lượng chính sách. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
(3) Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc tại vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền. Tổ chức triển khai thực hiện coa hiệu quả Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 trong đó trọng tâm là “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030” theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 gồm 10 dự án:
DA1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; DA2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; DA3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm nưng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; DA4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực công tác dân tộc; DA5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; DA6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; DA7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; DA8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; DA9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; DA10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ra soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng các chính sách, chương trình dự án thực hiện tại vùng đồng bào DTTS&MN, loại bỏ những nội dung chính sách dân tộc không còn phù hợp , thực hiện tích hợp các chính sách có cùng lĩnh vực, đối tượng, nội dung, địa bàn để tránh chồng chéo và tản mạn chính sách. Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung định mức cho phù hợp với vùng, miền và thực tế của từng địa phương.
(4) Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải trên cơ sở bảo đảm cân đối chung của các nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021- 2025 và khả năng huy động các nguồn vốn hợp pháp khác; tăng cường và nâng cao trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với Ủy ban Dân tộc; kiên quyết khắc phục, xử lý có hiệu quả tình trạng kém hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư…
(5) Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS&MN. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Thực hiện tốt mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN không để xảy ra các điểm nóng phức tạp nhất là tại các vùng trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền trung; kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc, công tác phòng chống dịch bệnh nhất là công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19.
(6) Tiếp tục rà soát, kiện toàn, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tin gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.
(7) Chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới, Quyết định 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”.
(8) Công tác cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai thực hiện công vụ; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ủy ban Dân tộc gắn với việc đổi mới phương thức điều hành tạo sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước; tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh việc áp dụng quy trình quản lý hệ thống chất lượng, nâng cấp Cổng thông tin điện tử nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của UBDT.
(9) Công tác pháp chế , thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
(10) Công tác đối ngoại và thu hút đầu tư. Cụ thể đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại trong tình hình mới.
(11) Công tác khoa học công nghệ và môi trường. Đưa vào ứng dụng kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Chương trình khoa học cho giai đoạn 2021-2025, “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”.
(12) Công tác thông tin tuyên truyền và công tác phòng chống dịch Covid-19 đến đồng bào vùng DTTS&MN. Đổi mới phương thức tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS&MN; phát huy vai trò già làng trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS về công tác thông tin tuyên truyền; Triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuyên truyền vận động đồng bào DTTS nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ y tế và chính quyền địa phương về phòng chống dịch Covid-19.
(13) Nâng cao chất lượng công tác thống kê.
Cao Cường