Một số kết quả trong phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số và miền núi

10:08 AM 22/11/2021 |   Lượt xem: 1594 |   In bài viết | 

CÂU HỎI:

Đề nghị quý cơ quan cho biết việc phát triển liên kết, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nhất là các tỉnh miền Trung Tây nguyên theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Đối với kết quả thúc đẩy phát triển liên kết chung:

Như quý đọc giả đã biết Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ có 7 hình thức liên kết: (1) Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (2) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (3) Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiêp; (4) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (5) Liên kết tổ chức sản xuất thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (6) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ phẩm nông nghiệp; (7) Liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ phẩm nông nghiệp.

Để giúp nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển vùng DTTS&MN, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), từng bước hỗ trợ đồng bào DTTS&MN vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ngày 22/01/2021, Ủy ban Dân tộc và Liên Minh hợp tác xã Việt Nam đã ký chương trình phối hợp công tác số 45/C.trPH- UBDT-LMHTX trong giai đoạn tới nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng DTTS&MN, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Trong thực tế nếu các HTX vùng đồng bào DTTS&MN hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần vào việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS&MN; thực hiện hoàn thành các mục tiêu KT-XH được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Việc phát triển các chuỗi liên kết chung, đến nay, cả nước thực hiện các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 4 tác nhân tham gia liên kết có 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân và 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, có 1.644 chuỗi được chứng nhận với 2.346 sản phẩm (chủ yếu sản phẩm tập trung vào các loại như rau, củ, quả các loại; lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm, cá tra, các loại cá biển, các loại trái cây, trứng, nước mắm…); 2.991 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 1.085 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Kết quả thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố phê duyệt ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng, chủ lực cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết; có 57/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; đã có 51/63 tỉnh, thành phố đã quy định phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết và đã có 33/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện liên kết, cả nước có 28/63 tỉnh phê duyệt dự án liên kết và 16/63 tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ liên kết. Đã phê duyệt được 933 dự án, kế hoạch liên kết (579 dự án và 354 kế hoạch):

Về 579 dự án liên kết, bao gồm trồng trọt 392 dự án; chăn nuôi 150 dự án; lâm nghiệp 8 dự án; thủy sản 29 dự án.Tổng kinh phí của các dự án được duyệt là 1.921 tỷ đồng (bình quân 3,3 tỷ đồng/dự án); trong đó kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 767 tỷ đồng (chiếm 40%); còn lại 60% kinh phí do các doanh nghiệp, HTX và người dân đối ứng. Trong số các dự án liên kết được phê duyệt, có 536 HTX tham gia, trong đó có 308 HTX làm chủ trì chuỗi; có 213 doanh nghiệp tham gia chuỗi, trong đó có 156 doanh nghiệp làm chủ trì chuỗi.

Về 354 kế hoạch liên kết, bao gồm trồng trọt 256 kế hoạch; chăn nuôi 80 kế hoạch; lâm nghiệp 07 kế hoạch; thủy sản 11 kế hoạch.Tổng kinh phí của các kế hoạchliên kết được duyệt là:526 tỷ đồng (bình quân 1,4 tỷ đồng/kế hoạch); trong đó kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 293 tỷ đồng (chiếm 56%), còn lại 44% kinh phí do các doanh nghiệp, HTX và người dân đối ứng. Trong số các kế hoạch liên kết được phê duyệt có 208 HTX tham gia, trong đó 181 HTX là chủ trì liên kết; có 136 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 89 doanh nghiệp là chủ trì liên kết.

Về phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm chủ lực: Trên cơ sở 13 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Trung ương ban hành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện xây dựng được 2.038 chuỗi liên kết, trong đó: Lúa, gạo có 724 chuỗi; Cà phê có 41 chuỗi; Cao su có 08 chuỗi; Điều có 13 chuỗi; Hồ tiêu có 26 chuỗi; Chè có 52 chuỗi; Rau quả có 898 chuỗi; Sắn và sản phẩm từ Sắn có 7 chuỗi; Thịt lợn có 121 chuỗi; Thịt và trứng gia cầm có 69 chuỗi; Cá tra có 5 chuỗi; Tôm có 49 chuỗi; Gỗ và các sản phẩm từ gỗ có 22 chuỗi; Muối có 3 chuỗi.

Về Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 14,6%; trong đó nhiều sản phẩm chủ lực quốc gia đạt tỷ lệ (%) giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết khá cao như: sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 95,64%; cao su đạt 85,36%; điều đạt 64,69%; hồ tiêu đạt 62,93%; cá tra đạt 44,55%; cà phê đạt 40,28% nhiều sản phẩm khác có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 10-20%.

Về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển liên kết: Tính đến hết tháng 6/2021, cả trung ương và các địa phương đã bố trí 1.105 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP; trong đó ngân sách Trung ương là 426 tỷ đồng (chiếm 38,56%), còn lại là ngân sách địa phương bố trí 679 tỷ đồng (chiếm 61,44%). Vi dụ như: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết đã hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết cho 338 chuỗi với tổng kinh phí hỗ trợ là 26,59 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 22,3 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 4,28 tỷ đồng; Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết đã hỗ trợ cho 579 dự án liên kết với tổng kinh phí là 1.921 tỷ đồng, bình quân 3,32 tỷ đồng/dự án liên kết; Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tổng kinh phí hỗ trợ 895.351 triệu đồng.

Đối với kết quả phát triển liên kết các tỉnh miền Trung, Tây nguyên

Trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, Tây nguyên việc phát triển liên kết đã thu hút 167.873 hộ nông dân tham gia liên kết; có 49 tổ hợp tác và 1.210 HTX; có 395 doanh nghiệp tham gia liên kết; có 188 hợp tác xã sở hữu sản phẩm OCOP; Có 12 tỉnh đã ban hành nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết của tỉnh; và danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng, chủ lực cần khuyến khích phát triển trên địa bàn tỉnh; có 11 tỉnh đã phân cấp phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết (cấp tỉnh và cấp huyện); đã có 9 tỉnh đã phê duyệt được 104 dự án liên kết (trong đó 71 dự án trồng trọt, 21 dự án chăn nuôi, 03 dự án lâm nghiệp, 09 dự án thủy sản) với tổng kinh phí 277.961 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 101.823 triệu đồng; mới có 4 tỉnh phê duyệt được 33 kế hoạch hỗ trợ liên kết (trong đó 23 kế hoạch trồng trọt, 03 kế hoạch chăn nuôi, 07 kế hoạch lâm nghiệp) với kinh phí là 70.045 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 34.868 triệu đồng. Một số tỉnh điển hình phê duyệt được dự án liên kết như Quảng Bình 63 dự án kinh phí 42 tỷ đồng; Quảng Nam 22 dự án, kinh phí 63 tỷ đồng; Nghệ An 16 dự án kinh phí 158 tỷ đồng, Khánh Hòa duyệt được 11 kế hoạch liên kết với 16 tỷ đồng; Nghệ An 9 kế hoạch liên kết 35 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế duyệt được 10 kế hoạch liên kết; Quảng Nam 5 kế hoạch liên kết.

Về phát triển các chuỗi liên kết thì vùng miền Trung: phát triển được 269 chuỗi lúa gạo, 02 chuỗi cà phê; 07 chuỗi cao su; 02 chuỗi điều; 02 chuỗi hồ tiêu; 01 chuỗi chè; 483 chuỗi rau quả; 02 chuỗi sắn và các sản phẩm từ sắn; 43 chuỗi thịt lợn; 15 chuỗi thịt và trứng gia cầm; 04 chuỗi tôm; 06 chuỗi gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Tổng số chuỗi phát triển trước khi có Nghị định số 98/2018/NĐ-CP là 560 chuỗi; trong đó có 272 chuỗi trồng trọt; 242 chuỗi chăn nuôi; 46 chuỗi thủy sản; tổng số chuỗi an toàn thực phẩm là 134 chuỗi.

Trong quá trình thực hiện chính sách phát triển liên kết ngoài những kết quả đạt được nêu trên, thì vẫn còn có một số những tồn tại, hạn chế sau:

Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung thực hiện chính sách về phát triển liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản tới các cơ sở trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn hạn chế dẫn đến nhận thức của các bên liên quan cũng không đầy đủ và thiếu nhiệt tình tham gia vào tổ chức liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Nguồn kinh phí để thực hiện chính sách liên kết rất hạn chế, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp và các HTX còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ tư vấn, nhất là các tư vấn có năng lực, hiểu biết để có thể tư vấn, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết; Thiếu cơ chế chính sách đồng bộ để thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết như: chính sách đất đai, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp…

Trong thời gian tới để thúc đẩy thực hiện tốt chính sách phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp đó là:

Một là: Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy chuẩn tiêu chuẩn, về thị trường (giá cả, dự báo thị trường,...) để ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS&MN về phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Hai là: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản nhằm khắc phục tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách như nội dung hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, định mức hỗ trợ, quy trình thủ tục cũng như các văn bản liên quan. Bố trí, lồng ghép các nguồn lực của Trung ương và các địa phương để thực hiện chính sách theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP từ nguồn vốn các Chương trình: MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, MTQG xây dựng nông thôn mới; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Giảm nghèo bền vững; Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX...

Ba là: Tăng cường đào tạo, tập huấn năng lực cho các HTX, hộ nông dân nhất là các hộ đồng bào DTTS&MN, các doanh nghiệp kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thương mại điện tử, liên quan đến thị trường, tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm; xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho các dự án, kế hoạch liên kết; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị chuỗi liên kết. Tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu. Hỗ trợ HTX, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chứng nhận, áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Bốn là: Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đạt chất lượng: ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp liên kết với HTX; hỗ trợ HTX nông nghiệp liên kết đầu tư, thành lập pháp nhân (doanh nghiệp) trong HTX; đẩy mạnh áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển liên kết theo chuỗi để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm quốc tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tư nhân) tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia phát triển liên kết.

Thanh Hải