Hỏi về tình hình, kết quả triển khai hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số?

11:04 AM 29/11/2021 |   Lượt xem: 1455 |   In bài viết | 

CÂU HỎI

Cuối năm 2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1898/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025”, trong đó Ủy ban Dân tộc (UBDT) là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đề nghị quý cơ quan cho biết tình hình cũng như một số kết quả sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án tại địa bàn vùng DTTS?

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Theo kết quả Điều trả thực trạng KT-XH năm 2019, tổng dân số 53 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên toàn lãnh thổ Việt Nam là 14.119.256 người, chiếm hơn 14,5% dân số cả nước. Trong đó có 7.073.907 nam, 7.045.349 nữ. Người DTTS sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, chiếm 86% so với tỷ lệ người DTTS sinh sống tại khu vực thành thị.

Cùng với những thành quả từ việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, thì vùng DTTS vẫn phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao gấp 3 lần tỷ lệ chung cả nước; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Các vấn đề nội tại liên quan đến bất bình đẳng giới, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc, hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội… là những vấn đền căn bản được xác định là trọng tâm cần giải quyết trong chiến lược về chính sách phát triển của vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Trong những vấn đề đặt ra đó, bất bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và dai dẳng đến các vấn đề KT-XH. Bình đẳng giới vùng DTTS vẫn đang còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng và khoảng trống. Phụ nữ DTTS là đối tượng dễ bị tổn thương và vùng DTTS là vùng có những đặc thù riêng với mức độ, tính chất, nguyên nhân của bất bình đẳng giới khác biệt so với các vùng khác xuất phát từ những đặc thù về KT-XH-VH, tập quán, bao gồm cả rào cản về ngôn ngữ…

Với mục tiêu: Tạo sự chuyển biến thực chất về bình đẳng giới, thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới ở vùng DTTS, góp phần phát triển KT-XH bền vững. Ngay sau khi Quyết định 1898/QĐ-TTg được ban hành, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt để đảm bảo các mục tiêu Đề án đặt ra. Cho đến cuối năm 2021 đã đạt được các kết quả như sau:

Về hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới: Ở cấp Trung ương đã tổ chức các hoạt động thường xuyên và liên tục, thông qua các kênh thông tin đại chúng như: Xây dựng chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới và chuyển thể thành 09 thứ tiếng dân tộc phát thanh trên VOV; xây dựng chuyên trang, xuất bản các phụ san tuyên truyền về bình đẳng giới trên Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc. Các bộ, ngành lồng ghép hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới qua các kênh như: Đài truyền hình Việt Nam, sách, báo, ấn phẩm… Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới” giữa học sinh các trường của tỉnh Lâm Đồng; lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới trong thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (như QĐ 1163, QĐ 45).

Ở các địa phương cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân vùng DTTS, trong đó chú trọng thực hiện trên các báo, đài truyền hình của tỉnh, trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc các tỉnh/thành phố; tổ chức truyền thông, vận động thông qua các hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa, hội thi tuyên truyền phổ biến pháp luật…

Trong triển khai cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông, tính đến cuối năm 2021, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức biên soạn và phát hành 20.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về bình đẳng giới bằng các thứ tiếng: Việt, Mông, Jrai, Ba Na; 1.500 cuốn sổ tay công tác bình đẳng giới; 160 panô tuyên truyền cho các xã mô hình điểm tổ chức tuyên truyền. Các tỉnh/thành phố cũng đã in ấn, phát hành các sản phẩm như: tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, tranh cổ động, sổ tay tuyên truyền… với số lượng gần 1.500.000 sản phẩm.

Sau 4 năm thực hiện, qua đánh giá tổng kết của các tỉnh, một số tỉnh thực hiện tốt đã đạt được các mục tiêu của Đề án đặt ra. Trong đó các tỉnh đạt tỷ lệ cao trong thực hiện chỉ tiêu 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới gồm: Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Nội, Sơn La, Thanh Hóa. Tỉnh Thái Nguyên đạt 80%, Lào Cai đạt 70%. Các tỉnh đạt 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và Người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng DTTS có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống gồm: Bắc Giang, Bạc Liêu, Cao Bằng, Đắk Nông, Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Trà Vinh…

Trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, vị thế của phụ nữ DTTS được nâng lên (so sánh giữa năm 2015 và năm 2019), cụ thể như: tỷ lệ phụ nữ DTTS trúng cử đại biểu Quốc hội ngày càng tăng; tỷ trọng việc làm của lao động nữ trong “Nông, lâm nghiệp và thủy sản” đã giảm từ 83,8% năm 2015 xuống còn 76,4% năm 2019; thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của hộ gia đình do nữ là chủ hộ luôn cao hơn hộ gia đình do nam là chủ hộ ở hầu hết các dân tộc tăng 1,5 lần; tỷ lệ người DTTS biết đọc, biết viết chữ phổ thông tăng lên, trong đó nữ DTTS tăng cao hơn so với nam DTTS (nam tăng 1,2%, nữ tăng 2,4%); tỷ lệ nữ DTTS thụ hưởng các chính sách, dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe đều tăng…

Qua những kết quả cho thấy, nhận thức về vai trò của phụ nữ nó chung, phụ nữ DTTS nói riêng trong gia đình và xã hội đang được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, tạo thu nhập cho gia đình, vai trò và vị thế của phụ nữ nhờ đó gia tăng đáng kể so với quan niệm truyền thống trước đây. Với sự cố gắng của các Bộ, ngành và địa phương, trong giai đoạn 2018-2021, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 1898 đã đạt được những kết quả nhất đinh, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và đông đảo tầng lấp nhân dân trong cộng đồng DTTS, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới.

Cao Cường