Hòa Bình: Đẩy mạnh công tác truyền thông trong công tác hỗ trợ bình đẳng giới

02:19 PM 18/09/2021 |   Lượt xem: 1835 |   In bài viết | 

Hội thi Tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới (ảnh tư liệu).

Mục tiêu của Đề án 1898/QĐ-TTg là tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Đề án 1898/QĐ-TTg nêu rõ triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán địa phương nhằm chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào các DTTS, đặc biệt là các DTTS rất ít người; lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ DTTS...

Tại tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác bình đẳng giới. Các mô hình truyền thông về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được duy trì hoạt động và tiếp tục mở rộng, một số mô hình được cải tiến để phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện, thành phố và cơ sở đã phát huy được hiệu quả tốt trong công tác tuyên truyền. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS gắn với việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm, đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, UBND các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thực hiện các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là tạo điều kiện cho phụ nữ giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với luật pháp, chính sách của Nhà nước. Nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; các chính sách, pháp luật về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới và ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm thúc đẩy mọi người dân thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; giảm dần số vụ bạo lực trên cơ sở giới.

Tỉnh Hòa Bình đã thường niên tổ chức thực hiện: "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới"; Tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Tăng cường triển khai các hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thực hiện chính sách ưu tiên dạy nghề cho phụ nữ lao động thuộc đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Mở nhiều lớp tập huấn về các nội dung về bình đẳng giới; Tăng cường chỉ đạo các đơn vị cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác xóa mù chữ trên địa bàn; lồng ghép bình đẳng giới vào công tác chuyên môn dạy - học từ các cấp học bậc học theo chương trình sách giáo khoa...

Năm 2020, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, các luật liên quan và các văn bản dưới luật đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức truyền thông, phù hợp với văn hóa, trình độ nhận thức của nhân dân từng vùng trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đã xây dựng nội dung hoạt động liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới thuộc ngành và lồng ghép vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã triển khai mô hình Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới đã hoạt động công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Đã thực hiện 12 phóng sự, 16 bài viết, 10 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền, mở 14 lớp tập huấn cho 1.147 đại biểu với các nội dung như: Nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng quản lý lãnh đạo và các kỹ năng mềm khác cho đội ngũ cán bộ dân cử; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thành lập được 53 nhóm nòng cốt, 350 câu lạc bộ pháp luật; tổ chức được 509 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 60.776 lượt người; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) triển khai Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021”; tiếp tục vận hành câu lạc bộ “Nữ đại biểu dân cử” thông qua qua các kỳ sinh hoạt theo các chủ đề của từng tháng được các thành viên quan tâm chia sẻ. Tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép với các ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Tổ chức hội thi Tìm hiểu kiến thức, kỹ năng lãnh đạo thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bình đẳng giới...

Bên cạnh nâng cao hiệu quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, giảm dần khoảng cách về giới và các định kiến về giới… tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm gắn với xoá đói giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật cho người lao động nhất là lao động nữ ở nông thôn, vùng DTTS; tăng cường các hoạt động xúc tiến việc làm, giới thiệu lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân nhất là nữ vùng DTTS, hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

Xuân Thường