Bình Thuận: Chính sách trợ cước vận chuyển góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số

05:11 PM 19/09/2021 |   Lượt xem: 1472 |   In bài viết | 

Ảnh minh họa.

Theo Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND, đối tượng được hưởng chính sách này là hộ đồng bào các DTTS đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp tại 11 xã thuần vùng cao và 20 thôn DTTS xen ghép thuộc xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Điều kiện được hưởng chính sách này là hộ sản xuất nông nghiệp, có hộ khẩu thường trú tại 11 xã thuần vùng cao và 20 thôn DTTS xen ghép thuộc xã miền núi, vùng cao; có đất sản xuất, có lao động, có khó khăn về vốn, có nhu cầu đầu tư ứng trước, được Ủy ban nhân dân xã xét duyệt và đề nghị. Trong đó, mặt hàng thực hiện đầu tư ứng trước gồm: Giống bắp lai, giống lúa nước, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại.

Theo đó, phương thức đầu tư ứng trước được thực hiện theo tiến độ sản xuất từng vụ bằng hiện vật ứng trước như: giống bắp, giống lúa, phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí làm đất. Hình thức đầu tư ứng trước thông qua hợp đồng đầu tư ứng trước và tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa chủ hộ sản xuất ra với đơn vị được giao trực tiếp thực hiện chính sách là Trung tâm Dịch vụ miền núi, có xác nhận và đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã. Phương thức thu hồi vốn đầu tư ứng trước được thực hiện thông qua việc thu mua sản phẩm nông sản hàng hóa của chủ hộ sản xuất theo hợp đồng đã ký với đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách, hoặc chủ hộ sản xuất thanh toán chi phí đầu tư ứng trước bằng các nguồn thu nhập khác.

Giai đoạn đầu triển khai chính sách theo Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND, tỉnh Bình Thuận đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đối tượng của chính sách là các hộ đồng bào DTTS, có tỷ lệ nghèo cao, trình độ và năng lực sản xuất chưa cao. Địa bàn để triển khai chính sách là khu vực vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng cao, có thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Số lượng hệ thống cửa hàng, đại lý còn thiếu, chưa phủ kín được các địa bàn, nhất là tại các thôn DTTS xen ghép.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, công tác cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào DTTS thông qua hệ thống đại lý, cửa hàng thuộc 11 xã vùng cao và 20 thôn xen ghép trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp các hộ đồng bào có đủ vật tư, hàng hóa để phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép cấp ép giá trong vùng đồng bào DTTS.

Sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách (giai đoạn 2016 - 2020), tỉnh Bình Phước đã tổ chức thực hiện đầu tư ứng trước với tổng kinh phí 70.147 triệu đồng. Trong đó, đã đầu tư 5.028 lượt hộ/10.237 ha bắp lai và 922 lượt hộ/628 ha lúa nước. Trung bình hàng năm, đầu tư trên 14 tỷ đồng bao gồm lúa giống, bắp giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật các loại và chi phí cày đất. Sản lượng bắp lai thương phẩm thu mua trung bình hàng năm được trên 7.500 tấn, trị giá trên 24,5 tỷ đồng. Tỷ lệ thu hồi nợ đầu tư đạt trên 95%. Sau khi thanh toán nợ, các hộ dân còn thu về trên 50 tỷ đồng. Đối với đầu tư bắp lai, sau khi trừ nợ đầu tư ứng trước, bình quân mỗi hộ còn thu được từ 10 đến 15 triệu đồng/vụ/ha. Đặc biệt, có hộ gia đình thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/vụ.

Có thể nói, hiệu quả của chính sách đầu tư ứng trước đã góp phần giúp các hộ đồng bào DTTS có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hoá để sản xuất. Đồng thời, giúp bao tiêu sản phẩm do đồng bào sản xuất ra với giá cả phù hợp, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép giá của tư thương. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Góp phần tăng thu nhập, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên rõ rệt; từng bước góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Cao Cường