Hội nghị trực tuyến tập huấn thực hiện Đề án “Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo”

10:38 AM 12/11/2021 |   Lượt xem: 2990 |   In bài viết | 

Quang cảnh hội nghị

Khai mạc Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 và Bộ TTTT ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTTTT ngày 05/12/2019 hướng dẫn thực hiện Đề án; Bộ TTTT đã tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện từ năm 2019-2020. Đối với các bộ, ngành năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Đề án với 31 bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia thực hiện. Hiện nay, Đề án đang được các cơ quan khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện theo kế hoạch.

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Tại Hội nghị Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Hồng Hải đã báo cáo tình hình thực hiện Đề án năm 2021 với 3 nhóm nhiệm vụ: Nhóm nhiệm vụ thứ nhất, có 14 cơ quan tham gia tập trung vào xây dựng chương trình tài liệu bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo cho các đối tượng có 3 cơ quan chủ trì là Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện nội dung này đã hoàn thành; Nhóm nhiệm vụ thứ hai, tập trung xây dựng chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo có 06 cơ quan Trung ương, tham gia thực hiện, chủ yếu là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu, biên tập các tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; Nhóm nhiệm vụ thứ ba, là nhiệm vụ trọng tâm tập trung tuyên truyền về dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam; các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có 09 nhà xuất bản tham gia và 35 cơ quan báo chí thuộc các bộ ngành, cơ quan Trung ương sản xuất hàng nghìn tác phẩm báo chí và sản phẩm thông tin điện tử và các hình thức khác, với các chủ đề nội dung, hình thức, thể loại thông tin, tuyên truyền rất đa dạng; trong đó chú trọng các hình thức tuyên truyền trên báo hình, báo điện tử.

Các đại biểu dự hội nghị bên cạnh việc được cập nhật thông tin về kết quả của Đề án, còn được cung cấp thông tin từ các cơ quan Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền về truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam; về những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội…

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, UBDT giới thiệu nội dung về bộ tài liệu

Tại Hội nghị ông Đinh Xuân Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc thành viên Tổ công tác liên ngành đã giới thiệu nội dung cơ bản về bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân tộc và công tác dân tộc. Bộ tài liệu gồm 4 chuyên đề khái quát về các dân tộc Việt Nam; chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc; kiến thức về thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân tộc và công tác dân tộc; kỹ năng thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân tộc và công tác dân tộc đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung đánh giá kết quả của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời cũng nêu lên những thuận lợi, đặc biệt là khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án như: đại dịch Covid-19 hiện nay làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai, chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ; chưa cân đối giữa mảng nội dung, tập trung tuyên truyền nhiều về dân tộc, ít bài viết về tôn giáo; chưa có nhiều tác phẩm có tính chuyên sâu, dài kỳ; còn đưa tin hoạt động thường xuyên, hình thức thể hiện chưa thật sự hấp dẫn; đây là Đề án có tính đặc thù, một số cơ quan báo chí vẫn làm theo cách đã thực hiện ở các đề án khác nên chưa thể hiện được sự khác biệt; sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, xuất bản với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức tôn giáo còn hạn chế…Trong những tháng còn lại của năm 2021, nhất là thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức sự kiện đông người như: hội thảo xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thông tin, tuyên truyền; đặc biệt là công tác tổ chức sản xuất các tác phẩm báo chí, truyền thông gặp khó khăn do bị hạn chế đi lại, gặp gỡ, tiếp xúc các đối tượng để thu thập thông tin.

Tại Hội nghị các đại biểu được định hướng trong xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án vào năm 2022 cần bám sát mục tiêu của Đề án: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt là một số lưu ý khi xây dựng kế hoạch năm 2022 phải đảm bảo phải phù hợp với nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Đề án và tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đối với các vấn đề về dân tộc, tôn giáo: khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, vùng trời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước; phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, đấu tranh với những hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đôàn kết toàn dân tộc...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đánh giá cao sự tham gia của các cơ quan bộ, ban, ngành tham gia thực hiện Đề án. Thứ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: các sản phẩm cần tập hợp thành từng chủ đề, nhất quán có giá trị để thu hút bạn đọc, cần có những tác phẩm hình ảnh về đồng bào dân tộc thiểu số mang tính đời thường nhưng có giá trị cao...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đề nghị: các cơ quan báo chí cần nắm chắc định hướng nội dung; các đơn vị được giao xây dựng tài liệu cần nghiên cứu chuyển đổi số chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn để bạn đọc, nhà nghiên cứu vào khai thác các kết quả nghiên cứu về dân tộc và truyền thống dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để xây dựng, biên soạn nội dung tài liệu đảm bảo thực chất, hiệu quả; các bộ, ban, ngành cần khẩn trương tham mưu, xây dựng nội dung, kế hoạch phối hợp, phù hợp với điều kiện cụ thể để đảm bảo việc tuyên truyền về dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam, các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Hoàng Nguyệt