Tập trung cao độ để chuẩn bị cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi

09:00 AM 30/07/2021 |   Lượt xem: 249 |   In bài viết | 

Ảnh minh họa

Tham dự cuộc họp có đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lãnh đạo, đại diện Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.

Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo tóm tắt về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, đề xuất các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 và kiến nghị một số nội dung còn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, cơ quan, đặc biệt là đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các đồng chí Phó Trưởng ban, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các nhiệm vụ được giao; tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện tốt công tác điều phối hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực cơ bản nhất trí với đề xuất của Ủy ban Dân tộc và ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan dự họp. Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp tốt, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai thực hiện Chương trình ngay từ tháng 10 năm 2021; trong đó tập trung triển khai một số nội dung như sau:

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định; tiếp tục hoàn thiện thể chế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, trọng tâm là Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Xây dựng Kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 5 năm và năm 2021 theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình MTQG, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp về quy hoạch, đào tạo nghề, xây dựng chuỗi giá trị, khoa học công nghệ, huy động thêm các nguồn lực từ quốc tế và xã hội để thực hiện Chương trình theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, dân chủ, công khai, minh bạch, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất và giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất cho các hộ nghèo, nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Khẩn trương kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo và cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình ở cấp tỉnh bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao ý thức tự lực, tự cường của người dân và vận động sự tham gia của cộng đồng để thực hiện Chương trình; kịp thời tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; khuyến khích, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, hiệu quả cao để phổ biến, áp dụng thí điểm trên địa bàn một số xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để từng bước nhân rộng trên địa bàn cả nước.

Về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình cấp tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương khẩn trương hướng dẫn để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không làm tăng đầu mối trung gian, không tăng biên chế và phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương.

Về giải pháp, phương án và cơ chế huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Ủy ban Dân tộc, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành về các giải pháp, cơ chế, phương án huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Chương trình, trong đó có dự án đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu liên xã, phát triển nhân lực và xây dựng cầu dân sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổng hợp, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất giải pháp cụ thể phù hợp với đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi theo quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định hiện hành.

(baodantoc.vn)