Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

04:52 AM 28/08/2021 |   Lượt xem: 3195 |   In bài viết | 

Công tác tuyên truyền về tôn giáo được đặc biết chú trọng ở vùng đồng bào dân tộc ít người.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo chính hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo và Tin lành, với gần 1.500 chức sắc, chức việc, trên 120 nghìn tín đồ. Đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 29/8/2016 về công tác tôn giáo, nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về tôn giáo và công tác tôn giáo. Từ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội.

Thời gian qua, các ngành, địa phương của tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo các tôn giáo trong tỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật. Thái Nguyên đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào các tôn giáo. Hàng năm, Sở Nội vụ đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng công tác quản lí nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo và hỗ trợ các tôn giáo tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động đội ngũ chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo và Tin lành thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy kiểm tra việc thực hiện công tác tôn giáo ở huyện Phú Bình

Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị đối thoại với đại biểu công giáo nhằm đối thoại, lắng nghe, trao đổi với các linh mục, chức sắc, đại diện giáo họ để nắm chắc tình hình, hướng dẫn giải quyết các nhu cầu sinh hoạt công giáo, đồng thời tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo cho các chức sắc, chức việc, tín đồ.

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến nay cơ bản ổn định, nền nếp, tuân thủ pháp luật. Các nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được giải quyết kịp thời; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân được đảm bảo. Các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các sinh hoạt tôn giáo dần đi vào ổn định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tín ngưỡng, UBND tỉnh Thái Nguyễn đã ban hành Kế hoạch công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với các nội dung cụ thể.

Trong công tác chỉ đạo, xây dựng văn bản pháp luật, củng cố tổ chức bộ máy, tuyên truyền, bồi dưỡng, thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục quán triệt, phổ biến và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Triển khai các nội dung của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Tuyên truyền sâu rộng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong hệ thống chính trị, trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo và nhân dân. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở, nhất là thời điểm sau bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kiểm tra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chưa đúng quy định của pháp luật cũng như khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá thực trạng tình hình tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, từ đó, triển khai các biện pháp quản lý nhà nước về tín ngưỡng phụ hợp thực tế. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ sở tín ngưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật có liên quan. Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, trọng tâm là quản lý sinh hoạt tôn giáo tập trung, cuộc lễ tôn giáo, hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài; việc thành lập, tổ chức tôn giáo trực thuộc; việc bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác đối với đạo Tin lành giai đoạn 2021-2030. Tổ chức rà soát, thống kê số liệu về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Quản lý, hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bảo đảm phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là đối với các lễ hội tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo.

Thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo, chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai và xây dựng cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, ban quản lý, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai, xây dựng liên quan tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, dứt điểm.

Chủ động triển khai các lực lượng, biện pháp phòng ngừa đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu và hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Làm tốt công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo; quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán tôn giáo; định hướng hoạt động tôn giáo đảm bảo theo đúng đường hướng và phương châm hành đạo gắn bó với dân tộc và chấp hành pháp luật. Giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo ngay tại cơ sở, không để các thế lực xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo để móc nối, kích động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở những địa bàn bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp, “tà đạo”, “đạo lạ”. Thực hiện tốt các nội dung, giải pháp phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Thường xuyên tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân, từ đó không tin theo “tà đạo”, “đạo lạ”, tổ chức bất hợp pháp./.

(laodongxahoi.net)