Thực hiện hiệu quả các chính sách về đất đai góp phần giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
07:20 AM 18/09/2021 | Lượt xem: 2338 In bài viết |Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 7/2020, diện tích đất nông lâm trường mà các công ty lâm, nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương từ khi thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2004 đến nay đạt hơn 1 triệu ha (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565 ha; Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029 ha). Tuy nhiên, diện tích đất từ các nông, lâm trường trả về địa phương mới chỉ thi hành mang tính mệnh lệnh trên giấy, còn triển khai thực địa chưa làm được; tỷ lệ đất giao cho người dân cũng rất ít.
Tỷ lệ đất được giao cho đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất đạt mức thấp
Đối với vấn đề đất đai do các công ty nông, lâm trường và các ban quản lý rừng quản lý, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều quyết sách lớn. Quốc hội khóa XIII cũng đã có giám sát và ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. Qua công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 tại một số địa phương cho thấy, tính đến cuối năm 2018, cả nước có đến 342.569/402.612 ha đất dự kiến được giao lại cho cộng đồng DTTS vẫn đang do các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý (chiếm 85,1%), chưa giao cho cộng đồng. Thời gian qua, không ít công ty nông lâm trường được Nhà nước giao quản lý rất nhiều diện tích nhưng đã để xảy ra tranh chấp, mất đất, mất rừng, trong khi đồng bào DTTS vẫn thiếu đất để sản xuất. Đến nay, tỷ lệ đất được giao cho đồng bào DTTS, người dân địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất còn đạt mức thấp (khoảng 15%); phần lớn trong số này là việc hợp thức hóa các diện tích đã được người dân sử dụng từ trước đây, hoặc đất cấp mới ở xa, đất xấu không thuận lợi cho việc sản xuất…
Tại một số địa phương, nhiều diện tích vẫn chưa bàn giao, chưa nhận hoặc nhận bàn giao rồi nhưng chưa có kế hoạch sử dụng, chưa đo vẽ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho dân vì thiếu kinh phí. Có những khu vực, diện tích các nông lâm trường trả về địa phương để bàn giao cho dân lại nằm ở rất xa hoặc là đất bạc màu, núi đá nhiều nên người dân không muốn nhận và thực tế cũng không sản xuất hiệu quả được. Để đảm bảo giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS, phải tạo nguồn sinh kế ổn định cho đồng bào, đặc biệt là từ các diện tích đất có thể canh tác, sản xuất.
Trước những vấn đề trên, để đảm bảo đồng bào DTTS tiếp cận được và sử dụng đất đai một cách bền vững cần những giải pháp toàn diện từ việc cải thiện khung chính sách và cơ chế thực hiện. Từ đó, tháo gỡ những vướng mắc, giúp đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất, yên tâm an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Ưu tiên giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa ban hành Thông tư số 09/2021/BTNMT ngày 30/6/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo hướng đất nông, lâm trường bàn giao cho địa phương cần tiếp tục giải quyết theo hướng ưu tiên bố trí cho đồng bào DTTS ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.
Theo đó, về giải quyết nhu cầu sử dụng đất cho các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc, đối tượng được ưu tiên giao đất là đồng bào DTTS ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất. Rà soát, ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào DTTS, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập như tăng mức khoán bảo vệ trong thực hiện dịch môi trường rừng, thí điểm và triển khai dịch vụ phát thải khí các bon để tăng nguồn thu cho các địa phương có rừng và người dân.
Cao Cường