An Giang: Quyết tâm triển khai Kế hoạch giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS
09:00 AM 22/08/2021 | Lượt xem: 322 In bài viết |Phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2015 - 2020, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS, UBND tỉnh vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tỉnh An Giang giai đoạn II, năm 2021 - 2025.
Theo yêu cầu, các hoạt động thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Đề án phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, vận động, tư vấn... nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng. Huy động và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, phát huy vai trò trưởng khóm, ấp, người có uy tín tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.
Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh An Giang sẽ triển khai tại các huyện, thị có đông đồng bào DTTS (Khmer, Chăm) sinh sống, có nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, tập trung vào đối tượng là thanh niên, vị thành niên là người DTTS chưa kết hôn; người có uy tín ở trong đồng bào DTTS; học sinh các trường Dân tộc nội trú, các trường có nhiều học sinh DTTS học tập trên địa bàn tỉnh; cán bộ, công chức, người dân các xã vùng DTTS và miền núi; cán bộ cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở; các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia thực hiện Đề án.
Các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân tập trung vào các nội dung như: Hướng dẫn, triển khai các hoạt động phù hợp với yếu tố văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xây dựng Sổ tay tuyên truyền, biên soạn tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật, sổ tay hướng dẫn, tìm hiểu, hỏi/đáp, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, bình đẳng giới...
Các hoạt động tuyên truyền sẽ được triển khai đa dạng như: Trực tiếp tại cơ sở; Panô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, tranh cổ động, khẩu hiệu, sổ tay tuyên truyền, tài liệu cung cấp kiến thức... trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với văn hóa của đồng bào; tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn...
Cùng với Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang còn triển khai một số hoạt động liên quan như: Tuyên truyền tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Dân số đến năm 2030; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống với bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) cũng như về tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số...
Những người có uy tín của tỉnh An Giang luôn có nhiều đóng góp, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (ảnh tư liệu).
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án thông qua tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số; Cung cấp tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn và các sản phẩm truyền thông, tài liệu pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, tham quan, trao đổi kinh nghiệm nâng cao về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết kế hoạch thực hiện Đề án qua các hoạt động như: Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của chính quyền các cấp ở địa phương; Xây dựng, đưa các qui định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, các qui định pháp luật liên quan khác, xử lý vi phạm vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn của khóm, ấp văn hóa, gia đình văn hóa; Hỗ trợ cho hoạt động tư pháp xã thực hiện quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, làm giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh cho trẻ em tại địa bàn; Phối hợp và tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các địa phương lân cận và thực hiện ngăn ngừa, phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.
Thanh Hải