Cấp phát báo, tạp chí góp phần chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số

02:28 PM 16/09/2021 |   Lượt xem: 2583 |   In bài viết | 

Ông Lê Văn Tiến, Người có uy tín xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cập nhật thông tin trên Báo Dân tộc và Phát triển

Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông có thể đã xóa nhòa đi khoảng cách thông tin, nhưng với ưu điểm và lợi thế của mình, các ấn phẩm báo chí vẫn là "cẩm nang" không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân vùng dân tộc miền núi tiếp cận chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tiêu biểu trong việc sử dụng báo có hiệu quả phải kể đến ông Lê Văn Tiến ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), vào mỗi buổi sáng, lại háo hức đón chờ những trang báo mới được nhân viên bưu tá của huyện mang đến. Những thông tin trên các ấn phẩm báo viết đều rất thiết thực đối với ông Tiến, ở địa phương ông Tiến hiện đang là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận của xóm Tam Thái và cũng là người có uy tín. Vì vậy, các ấn phẩm báo chí đã giúp ông có được những thông tin chính thống, kịp thời phục vụ cho công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc; thông tin, tình hình thời sự của đất nước, của tỉnh trên mọi lĩnh vực.

Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, cứ vào thứ 3, thứ 5 hàng tuần, mỗi lớp ở đây đều dành 15 phút đầu giờ để các em học sinh cùng nghe một số bài báo tiêu biểu trên tờ “Thiếu nhi dân tộc”. Hoạt động này đã trở thành một thói quen tốt, là sinh hoạt bổ ích đối với học sinh vùng cao khi thông qua đó, những tấm gương thiếu nhi dân tộc, các mô hình hay trong nhà trường được tuyên truyền, giới thiệu… tạo cảm hứng, động lực để các em học sinh nơi đây nỗ lực hơn nữa trong học tập và rèn luyện bản thân.

Cùng với đó, ngoài giờ học, các em học sinh ở trường còn được tiếp cận với các ấn phẩm sách, báo tại thư viện của nhà trường. Trong đó, có những tờ báo, chuyên đề dành cho học sinh, thiếu nhi dân tộc. Những tờ báo, tạp chí này ngày càng có sự đổi mới về nội dung thông tin, ảnh minh họa, bố cục tin bài phù hợp với lứa tuổi nên thu hút được sự quan tâm của học sinh miền núi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Bưu điện tỉnh đang làm nhiệm vụ phát hành 18/19 ấn phẩm báo, tạp chí theo Quyết định số 45/QĐ-TTg. Từ đầu năm đến nay, hệ thống bưu điện trong tỉnh đã cấp phát trên 100.000 bản ấn phẩm báo, tạp chí cho 124 xã vùng dân tộc miền núi, gần 1.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Báo, Tạp chí được Bưu điện tỉnh Thái Nguyên sắp xếp để chuẩn bị cấp đến các đối tượng thụ hưởng

Sau hơn 2 năm thực hiện chính sách cho thấy, UBND cấp xã, một số tổ chức, đoàn thể vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và cá nhân được cấp báo đã có trách nhiệm quản lý, sử dụng để nắm thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Về nội dung, các báo, tạp chí đã đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc; giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; phê phán đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tiếp tục vạch trần âm mưu của kẻ xấu nhằm kích động phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc ở các vùng trọng điểm. Nội dung các tờ báo đã dành phần lớn tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa; cổ vũ, hướng dẫn đồng bào biết trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp về tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chú trọng tuyên truyền cho đồng bào các kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Mỗi tờ báo, tạp chí đều có sắc thái riêng, tạo thành sức mạnh thông tin tổng hợp về mọi mặt. Với các ấn phẩm báo chí của Trung ương, việc phát hành chuyên đề dân tộc, miền núi thay vì ra báo ngày đã tránh tình trạng phát hành không kịp thời, khiến báo ngày trở thành báo tuần như trước đây. Đối với báo địa phương, hệ thống bưu điện đã kịp thời phát hành hàng ngày đến đối tượng thụ hưởng bằng các phương tiện và cách thức vận chuyển linh hoạt phù hợp với địa hình, địa lý và thói quen sinh hoạt, lao động sản xuất ở vùng dân tộc, miền núi.

Với ưu điểm và thế mạnh là thông tin sâu và lưu trữ thông tin lâu, báo in ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, còn là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, báo viết đã góp phần phủ thêm lượng thông tin chính thống tại những thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những kết quả tích cực, thì việc cấp ấn phẩm báo, tạp chí hiện nay cho đồng bào DTTS vẫn còn một số tồn tại như: việc chuyển giao ấn phẩm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa chậm làm mất tính thời sự đối với thông tin mà các ấn phẩm thể hiện. Công tác kiểm tra quá trình cấp phát, quản lý còn hạn chế. Việc tổng hợp phản ánh của đối tượng thụ hưởng còn chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, cần cân đối, giảm số lượng ấn phẩm báo chí, thu gọn đối tượng thụ hưởng chính sách cho phù hợp. Khi xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền cố gắng để đồng bào dễ đọc, dễ hiểu và dễ làm theo.

Việc cấp phát báo, tạp chí được xem như một kênh thông tin chuyển tải đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Để đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy thế mạnh của báo chí; sự đầu tư, đổi mới về nội dung, hình thức của các cơ quan báo chí, để những ấn phẩm báo, tạp chí đến với đồng bào DTTS thực sự mang lại hiệu quả, giúp đồng bào thêm đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp và thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Triệu Thuần