Hòa Bình: Chăm lo thực hiện chính sách đối với người có uy tín
11:15 AM 20/09/2021 | Lượt xem: 2344 In bài viết |Với đặc thù tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm 74,3% dân số toàn tỉnh. Địa bàn sinh sống của bà con chủ yếu là vùng cao, vùng sâu, xa, trình độ dân trí không đồng đều. Do vậy, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được coi trọng. Trong đó, việc tranh thủ và phát huy vai trò người có uy tín (NCUT) trong vùng DTTS được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, góp phần tạo dựng lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 98/KH-UBND, ngày 17/7/2017 về thực hiện đề án "Tăng cường vai trò của NCUT trong vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020". Để đảm bảo tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn, hàng năm, tỉnh chỉ đạo rà soát, quyết định đưa ra khỏi danh sách NCUT và bổ sung thay thế để phù hợp với thực tiễn. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh danh sách NCUT trong ĐBDTTS giai đoạn 2020 - 2022 với 1.252 người. Họ là bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, già làng, cán bộ, nhà giáo đã về hưu, thầy thuốc, người sản xuất giỏi... Việc triển khai thực hiện chính sách đối với NCUT luôn được quan tâm. Giai đoạn 2011 - 2021, từ nguồn ngân sách T.Ư cấp trên 34.509 triệu đồng, UBND tỉnh đã giao kinh phí, chỉ đạo Ban Dân tộc, UBND các huyện, thành phố sử dụng nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho NCUT.
Đồng thời, giao Ban Dân tộc, Công an tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách và vận động NCUT phát huy vai trò, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư, dòng họ và đời sống xã hội. NCUT được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác nhằm phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, như: cấp Báo Hòa Bình, Báo Dân tộc và Phát triển; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần khi NCUT ốm đau, gặp khó khăn; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các DTTS.
Ông Sùng A Sa, NCUT ở xóm Pà Cò Lớn, xã Pà Cò (Mai Châu) chia sẻ: Với vai trò của mình và sự tin tưởng của bà con, những NCUT luôn sát sao nắm bắt tình hình của xóm, xã. Tuyên truyền, vận động bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế; tránh xa tệ nạn xã hội; tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng; xóa bỏ hủ tục lạc hậu để giữ gìn nếp sống văn minh. Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, tặng quà của các cấp, các ngành, là nguồn động viên để NCUT phát huy tốt vai trò.
Những năm qua, thực hiện chế độ, chính sách đối với NCUT, tỉnh đã tổ chức 98 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 5.088 lượt NCUT tham gia; 303 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin cho hơn 2.550 lượt người, qua đó cung cấp cho đội ngũ NCUT kiến thức cơ bản về tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách trong vùng ĐBDTTS. Tỉnh cũng tổ chức các đoàn đại biểu NCUT tiêu biểu đi thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế, giữ gìn QP-AN và tổ chức khen thưởng kịp thời NCUT tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Với vai trò là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, đội ngũ NCUT đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn AN-QP, trật tự an toàn xã hội... để góp phần xây dựng vùng DTTS ngày càng đổi mới.
Vai trò của NCUT đã được khẳng định từ thực tiễn, do vậy, theo Ban Dân tộc tỉnh, việc lựa chọn NCUT ở các địa phương phải theo đúng tiêu chí quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, trong đó có yêu cầu: Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ ANTT, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc. Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư. Có khả năng quy tụ, tập hợp ĐBDTTS trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo…
(baohoabinh.com.vn)