Đặc sắc trong văn hóa dân tộc Ơ Đu

09:11 AM 09/09/2021 |   Lượt xem: 1101 |   In bài viết | 

Trước đây người Ơ Đu ở nhà sàn có 4 mái lợp bằng nứa hoặc tranh

Trước đây, cư dân của dân tộc Ơ Đu sống tập trung tại 03 trung tâm lớn là vùng Xốp Tăm (Tà Kạ và Keng Đu, huyện Kỳ Sơn hiện nay), Mường Lâm (Hữu Khuông, huyện Tương Dương hiện nay), Mường Mèn (Yên Hòa, huyện Tương Dương hiện nay). Ở những nơi này, đời sống của người Ơ Đu phát triển phồn thịnh với nghề đãi vàng, đánh cá, buôn bán dọc các con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ, thuộc biên giới Việt Nam - Lào…

Trước Cách mạng tháng Tám, gặp thời kỳ loạn lạc, người Ơ Đu phải làm “cuông, nhuốc”, tức là người cày thuê, cuốc mướn cho chủ đất người Thái, sống trong sự kèm cặp, kiểm soát của chủ đất. Họ bị dồn vào những nơi hẻo lánh đầu nguồn con suối, hoặc những vùng núi cao, hiểm trở. Thậm chí để an toàn, một nhóm người Ơ Đu phải thay đổi tên họ, giọng nói, tập quán của dân tộc mình, sống đan xen, phụ thuộc vào các dân tộc khác.

Đến sau này đất nước ta dành được độc lập, với nền tảng trình độ phát triển khá cao từ trước đó, hầu hết người Ơ Đu vẫn duy trì sản xuất lúa nước, canh tác nương rẫy đến ngày hôm nay. Ngoài ra, người Ơ Đu còn biết dệt vải, thêu, đan lát và tận dụng lợi thế sống ven sông để tổ chức buôn bán tấp nập, sầm uất.

Khi xây dựng thủy điện Bản Vẽ vào năm 2004, đồng bào dân tộc Ơ Đu được đưa về định cư tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My với 103 hộ, 445 nhân khẩu. Một số hộ đồng bào Ơ Đu đã được xác định sống rải rác ở các xã: Lượng Minh, Thạch Giám (huyện Tương Dương), xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương).

Gùi có dây đeo trán là phương tiện vận chuyển truyền thống đặc dụng nhất của người Ơ Ðu

Phong tục, tập quán của người Ơ Đu phong phú và đặc sắc, trong đó tiêu biểu là phong tục cưới xin và lễ đón tiếng sấm đầu năm. Điều đặc biệt trong hôn nhân của người Ơ Đu là tục ở rể. Sau đám cưới, con rể ở nhà vợ khoảng từ 3-4 năm, nếu có tiền Klay Glây (tiền giá đầu của người con gái) nộp cho nhà gái thì chỉ phải ở rể 01 năm. Trong thời gian ở rể, người trai hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhà gái, thậm chí tên họ cũng phải gọi theo tên họ của vợ.

Mặc dù trong hôn nhân có tục ở rể, nhưng tính phụ quyền trong gia đình người Ơ Đu bộc lộ rõ rệt hơn các dân tộc khác. Người đàn ông là chủ gia đình, có quyền quyết định mọi việc. Phụ nữ không có quyền thừa tự và chỉ có bổn phận chăm sóc chồng, con, không được quyết định việc trong gia đình. Khi về nhà chồng, người phụ nữ được gọi theo tên chồng và mang họ chồng.

Quan niệm về tín ngưỡng - tâm linh, dân tộc Ơ Đu cho rằng, mỗi người ngoài thể xác còn có phần hồn. Phần hồn thường nằm ở chỏm tóc, đỉnh đầu nên đồng bào rất kiêng xoa đầu trẻ con. Xuất phát từ quan niệm đó, người Ơ Đu cho rằng có rất nhiều loại ma và tổ chức thờ cúng rất nhiều loại ma, đặc biệt là ma nhà và các vị thần là các Then như: Then Luông, Then Vi, Then Bắc, Then Na… Các Then này thể hiện đời sống tâm linh đa dạng và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ơ Đu.

Người Ơ Đu gọi hồn là mẹ, ma là bụa, ma nhà là bụa rinh, chi phối mọi hoạt động của gia đình. Khi bị đau ốm, họ xin ma nhà đi bước nữa, tức cưới ma khác để vui, không làm hại người trong gia đình.

Về nhà ở, người Ơ Đu ở nhà sàn với lối kiến trúc có 04 mái, lợp bằng nứa hoặc tranh, đầu nhà quay vào núi, cột nhà chôn xuống đất. Ngôi nhà thường có 4-8 cột, tương ứng với nhà từ 1-3 gian. Khi làm nhà, người Ơ Đu luôn dựng cột chính trước. Theo quan niệm của họ thì đó là cột góc ma ở. Sau mới đến các cột góc khác theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

Nhà của người Ơ Đu ngày xưa có 02 bếp. Bếp ngoài không được nấu nướng mà chỉ được phép tiếp khách và sưởi ấm. Bếp trong là bếp nấu nướng phục vụ bữa ăn gia đình.  Phía trên gác bếp thường để đồ đan lát; dụng cụ nứa, tre mang trên rừng về mà chưa kịp chẻ hoặc đan sản phẩm thì bó lại để trên gác bếp cho khô.

Trong điều kiện phát triển của xã hội hiện nay, người Ơ Đu do sống xen lẫn với cộng đồng dân tộc khác nên bản sắc văn hóa riêng của họ đang dần bị mai một, đồng hóa, cần có sự quan tâm của các cấp thông qua các chính sách giữ gìn, khôi phục và bảo tồn văn hóa độc đáo của dân tộc Ơ Đu, để nền văn hóa đa dạng của các dân tộc Việt Nam không bị mất đi một mảng màu đặc sắc.

PV