Đào tạo nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định tới sự phát triển vùng đồng bào DTTS&MN

07:00 AM 21/08/2021 |   Lượt xem: 378 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh trao phần thưởng cho các em HS DTTS rất ít người trúng tuyển đại học, các HS, SV đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện năm 2020.

CÂU HỎI:

Quan tâm, đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta suốt nhiều năm qua. Bên cạnh các chính sách về đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, môi trường... thì vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Vậy việc đầu tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao có vai trò thế nào đối với sự phát triển của vùng đồng bào DTTS&MN?

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Có thể khẳng định rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), có vai trò quyết định đến học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực.

Những năm qua, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS. Đã có 12 chính sách, gồm 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 4 Nghị định của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực giáo dục của đồng bào DTTS.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS được thể hiện qua bốn nhóm: Chính sách phát triển hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS và MN; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng; chính sách hỗ trợ đối với người học về học bổng, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, chế độ cử tuyển, tuyển thẳng vào đại học, dự bị đại học, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên trong đào tạo, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên… và chính sách đầu tư đối với các cơ sở đào tạo vùng DTTS&MN.

Riêng chính sách cử tuyển, từ 2011-2019, đã có 51/53 dân tộc thiểu số có sinh viên cử tuyển, với số lượng 8.681 học sinh; trên 36% học sinh cử tuyển được bố trí việc làm.

Đối với đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc, trong 10 năm học qua, các trường, khoa dự bị đại học đã tuyển sinh và bồi dưỡng cho 34.253 học sinh, góp phần tạo nguồn sinh viên DTTS cho các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Về chính sách đào tạo, dạy nghề người dân tộc thiểu số, cả nước đã hỗ trợ đào tạo trên 1,1 triệu người, chiếm 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Ở nhiều địa phương, việc dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm. Nhiều người sau khi học nghề đã tự mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, phát triển kinh tế tại chỗ. Nhờ học nghề, 86,1% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đã có việc làm.

Bên cạnh việc triển khai các chính sách về giáo dục DTTS, trong nhiều năm qua, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan, định kỳ hằng năm tổ chức “Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu” trên cả nước. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của con em các DTTS đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước.

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được Đại hội XIII của Đảng xác định, đó là: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn”.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chung đã được Đại hội XIII đề ra trên địa bàn vùng DTTS& MN, từ năm 2019 đến nay, Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục là một nội dung trong mục tiêu tổng quát. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp trên 70%, lao động đến tuổi có việc làm, thu nhập ổn định trên 90%; trên 95% cán bộ, công chức xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo quy hoạch hợp lý các trường phổ thông dân tộc nội trú; đẩy mạnh phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú. Quan tâm quy hoạch, đầu tư hệ thống trường dự bị đại học dân tộc ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Khẩn trương triển khai hệ dự bị đại học tại Học viện Dân tộc để bồi dưỡng, đào tạo đại học các chuyên ngành vùng DTTS còn thiếu như: bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư công nghệ thông tin, chế biến nông, lâm sản.

Đổi mới căn bản phương thức cử tuyển học sinh DTTS đi học đại học theo hướng học sinh DTTS rất ít người, học sinh nhóm dân tộc có tỷ lệ tốt nghiệp đại học/dân số dưới 1% phải trải qua học dự bị đại học hệ 1 năm hoặc 2 năm để đạt mặt bằng kiến thức chung trước khi học đại học nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, làm cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng DTTS và MN.

Ủy ban Dân tộc cùng các bộ, ngành liên quan cũng tập trung nghiên cứu, ban hành chính sách đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa ngành Y-Dược, cao học công nghệ thông tin cho vùng DTTS&MN. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi.

Giáo dục DTTS đang tiếp tục được quan tâm đầu tư

Tạo bước đột phá

Một trong những bước đi mang tính chiến lược, tạo đột phá cho sự phát triển KT-XH vùng DTTS&MN đó là việc Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Tại kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 18/11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Tiếp sau đó, tại kỳ họp thứ 9, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội đề ra.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, vùng DTTS&MN có tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở liên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%...

Với việc Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 sẽ là cơ hội để tạo bước đột phá trong lĩnh vực giáo dục DTTS&MN những năm tới đây, đồng thời là điều kiện tiên quyết quyết định tới sự phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Xuân Thường