Để ngôn ngữ, chữ viết người Khmer không bị mai một

11:05 AM 19/09/2021 |   Lượt xem: 4340 |   In bài viết | 

Lớp học chữ Khmer tại chùa Prek On Đớk, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Thời gian qua, để bảo tồn và phát triển, việc dạy và học tiếng Khmer được Nhà nước quan tâm, đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình giảng dạy chính thức tại các trường tiểu học, các trường phổ thông dân tộc nội trú ở vùng đồng bào Khmer. Cùng với đó, các địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp học tiếng Khmer trong đó có tỉnh An Giang. Gần đây nhất, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh mở lớp đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ tỉnh An Giang từ 19/4 đến ngày 24/7/2021.

Nguy cơ lai căng, mai một

Chữ viết của đồng bào Khmer là hệ chữ viết có lịch sử trên dưới nghìn năm, dựa trên tự dạng Sanskrit. Qua thời gian, hệ chữ viết của đồng bào Khmer ngày càng hoàn thiện và được đánh giá đủ khả năng sử dụng ở hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống.

Với đồng bào Khmer Nam Bộ, học ngữ văn Khmer là một yêu cầu rất quan trọng. Việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc không những để bảo tồn mà còn là nhân tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của bản sắc văn hoá dân tộc.

Do đó, việc dạy và học chữ Khmer rất được xem trọng và được duy trì từ xưa đến nay, với các hình thức khác nhau, bao gồm cả việc dạy học trong các trường phổ thông do ngành giáo dục quản lý, các trường chùa do các vị sư tự quản và các loại trường dân lập khác.

Đặc biệt, đời sống sinh hoạt của đồng bào Khmer gắn bó với bản sắc văn hoá, nghi lễ Phật giáo Nam tông và chùa nên việc bảo tồn, giữ gìn và sử dụng tiếng Khmer mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhưng ngày nay, trong quá trình hội nhập ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào Khmer đang có nhiều nguy cơ mai một. Đây cũng là thực trạng chung, không riêng của một địa phương nào.

Nhất là trong thời đại 4.0, khi mà nền văn hóa mở cửa, việc sử dụng ngôn ngữ của người Khmer cũng đã bị kéo theo nhiều thay đổi. Hiện nay, Tiếng Việt cũng như ngoại ngữ được sử dụng nhiều hơn. Chính sự hòa trộn ngôn ngữ đã làm cho ngôn ngữ người Khmer được sử dụng ít đi, lâu dần sẽ dẫn tới nguy cơ suy thoái.

Điều này được thể hiện rõ nhất ở chỗ có nhiều người Khmer chỉ nghe được tiếng nói mà không đọc được chữ viết của dân tộc mình. Trong khi đó, số người biết chữ rất ít, chủ yếu là những người từng tu học trong chùa, còn lại đa phần không biết chữ.

Không những vậy, tỷ lệ người dân trong đồng bào dân tộc Khmer không biết tiếng nói và không viết được chữ của dân tộc mình khá cao. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế, làm cho bản sắc văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Khmer dần dần bị mai một, nếu không có biện pháp khắc phục

Ngoài ra, những chương trình văn hoá, nghệ thuật ngày càng ít dần do thị hiếu của người xem nghệ thuật thay đổi, ưa chuộng nghệ thuật du nhập. Do đó, nguy cơ mất dần ngôn ngữ là một nỗi lo luôn hiện hữu.

Tiến sĩ Trần Thu Dung hiện sống và làm việc tại Pháp cho rằng: “Bảo vệ ngôn ngữ văn hóa dân tộc ít người, là bảo vệ một bảo tàng sống, một nguồn du lịch để giúp phát triển kinh tế đất nước và đánh dấu chủ quyền của đất nước”.

Còn PGS. TS Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và Bách khoa thư, cho rằng, nếu chữ viết không được dùng thì nó không tạo thành ngôn ngữ văn học. Có chữ viết thì mới tạo thành ngôn ngữ chuẩn, tức ngôn ngữ văn học. Ngôn ngữ văn học khác khẩu ngữ.

"Chúng ta nói chuyện với nhau thì từ ngữ hạn chế, còn ngôn ngữ văn học thì vốn từ sang trọng hơn, câu cú triết lý, hình tượng hơn", PGS. TS Tạ Văn Thông nói.

Chữ viết người Khmer (Ảnh tư liệu).

Bảo tồn để phát triển dài lâu

Trở lại với câu chuyện chủ trương của Nhà nước trong việc dạy và học tiếng Khmer, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức biên soạn sách giáo khoa bằng chữ Khmer phục vụ giảng dạy và học tập. Đặc biệt, Nhà nước cũng có chế độ chính sách trong việc đào tạo giáo viên, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy tiếng dân tộc tại các điểm trường công lập, cấp miễn phí sách giáo khoa bằng chữ dân tộc cho học sinh.

Song song với đó, các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống đã xây dựng các chương trình, dự án để đồng bào Khmer có điều kiện bảo tồn, sử dụng tiếng dân tộc mình.

Hòa thượng Tăng Nô, Phó trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Phó Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa trung cấp Pali Nam Bộ phấn khởi: “Hiện nay, đồng bào các phật tử, các cháu học sinh rất quan tâm tham gia học tập tiếng nói, chữ viết của mình”.

Hòa thượng Tăng Nô cũng cho biết, tại tỉnh Kiên Giang, từ năm 2014 đến nay, địa phương đã tổ chức được 5 kỳ thi tốt nghiệp Pali, kinh luật giới và chữ Khmer với 892 thí sinh tham gia dự thi.

Tại Cần Thơ, từ năm 2016, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được thành lập tại quận Ô Môn, đáp ứng nguyện vọng của sư sãi và đồng bào Khmer.

Còn ở Sóc Trăng, Đề án đào tạo tiếng Khmer được Tỉnh ủy phê duyệt đã và đang thực hiện hiệu quả. Mục tiêu Dự án đến năm 2025 đào tạo cho hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn, ở 3 mức độ khác nhau, gồm: Lớp căn bản, lớp nâng cao và lớp nâng cao về kỹ năng biên dịch, phiên dịch.

“Mỗi lần có cán bộ về phum sóc biết nói tiếng dân tộc, bà con vô cùng phấn khởi. Nhờ đó, cán bộ vận động bà con làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, hay tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống Covid, bà con hiểu luôn và thực hiện rất nghiêm túc”, ông Thạch Đy, Bí thư Chi bộ ấp Phônôcambôth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho hay.

Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế tồn tại trong công tác bảo tồn ngôn ngữ Khmer. Đó là tài lực và vật lực phục vụ công tác dạy học còn nghèo nàn, thiếu thốn. Không những vậy, sự quan tâm của lớp trẻ người Khmer đối với tiếng nói dân tộc mình còn hạn chế. Trong khi đó, đời sống của bà con đồng bào Khmer còn khó khăn nên bà con không “mặn mà” chuyện cho con em học chữ dân tộc mình.

Vấn đề cần đặt ra lúc này là các ban ngành liên quan cần phối hợp với ngành Giáo dục để sớm đưa ra những giải pháp hữu hiệu, nhằm bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của đồng bào Khmer.

“Thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào Khmer, giúp bà con thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tiếng dân tộc, từ đó có ý thức gìn giữ, không để ngôn ngữ Khmer mai một, lai căng”, bà Trần Thị Hoa Ry, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

(vnbusiness.vn)