Điều tra thực trạng KT-XH 53 dân tộc thiểu số: Mức độ tiếp cận thông tin của đồng bào đã được tăng lên

08:14 PM 23/08/2021 |   Lượt xem: 782 |   In bài viết | 

CÂU HỎI

Qua kết quả điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, xin Quý cơ quan có thể cho biết mức độ tiếp cận thông tin của đồng bào DTTS trong giai đoạn vừa qua là như thế nào?

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Năm 2020, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê công bố kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội (KT-XH) của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam nhằm cung cấp các thông tin, số liệu phục vụ việc xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách phát triển KT-XH đối với vùng DTTS và miền núi. Kết quả điều tra cho thấy mức độ tiếp cận thông tin của đồng bào đã được tăng lên đáng kể trong giai đoạn vừa qua.

Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở tại thời điểm 01/4/2019, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85,3% và 53 DTTS chiếm 14,7%. Quy mô dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, trong đó nữ chiếm 49,9% và nam chiếm 50,1%. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019, quy mô dân số của 53 DTTS đã tăng gần 1,9 triệu người, với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm là +1,42%, cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của dân tộc Kinh là +1,09% và cả nước là +1,14%.

Người DTTS sinh sống tập trung tại các thôn, bản, buôn, làng, phum, sóc thuộc 5.453 xã, 463 huyện, 51/63 tỉnh/thành phố trong cả nước. Gần 90% người DTTS sinh sống tại các vùng DTTS. Cả nước có tổng số gần 3,5 triệu hộ gia đình người DTTS.

Kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, trong những năm gần đây, tài sản của hộ gia đình DTTS đã được cải thiện khá nhanh chóng cả về chủng loại và giá trị so với năm 2015. Trong đó, mức độ sử dụng điện thoại (bao gồm điện thoại cố định và di động), đặc biệt là điện thoại thông minh và máy vi tính và có kết nối Internet có thể phản ánh mức độ tiếp cận thông tin phục vụ sản xuất và đời sống của hộ gia đình DTTS.

Tỷ lệ hộ gia đình DTTS sử dụng điện thoại chia theo giới tính của chủ hộ, năm 2019 (Nguồn: Số liệu về phụ nữ & nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019).

Có tới 92,5% hộ gia đình DTTS có sử dụng điện thoại, tăng tới +17 điểm phần trăm so với năm 2015 là 75,6%. Trong các vùng KT-XH, Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình DTTS có sử dụng điện thoại thấp nhất là 84,6%. Một số DTTS vẫn có tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại khá thấp, đặc biệt là hộ gia đình DTTS do nữ là chủ hộ, như La Hủ 34,6%, Chứt 51,0%, Rơ Măm 54,8%, Bru Vân Kiều 63,6%, Xơ Đăng 65,2% và Ba Na 68,5%.

Về sử dụng máy vi tính, có 10,3% hộ gia đình DTTS có sử dụng, tăng +2,6 điểm phần trăm so với năm 2015 (7,7%). Tương tự như sử dụng điện thoại, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình DTTS có sử dụng máy vi tính thấp nhất 5,0%, Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung là 5,7%. Có tới 29/53 DTTS có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng máy vi tính dưới 5% như: Xinh Mun 1,1%, Khơ Mú 1,3%, Rơ Măm 1,5%, La Hủ 1,6%, Ba Na 1,8% và Chứt 1,9%.

Một điểm đáng chủ ý, Kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, có 61,3% hộ gia đình DTTS có sử dụng Internet, tăng tới +54,8 điểm phần trăm so với năm 2015 (6,5%). Có thể nói đây là bước phát triển rất mạnh trong tiếp cận thông tin ở vùng DTTS. Tây Nguyên là khu vực có tỷ lệ hộ gia đình DTTS có sử dụng Internet thấp nhất 46,1%, Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung 50,0%. Có 9/53 DTTS có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet dưới 30% như: La Hủ 10,2%, Brâu 15,1%, Chứt 21,2%, Mảng 23,3%, Cống 24,3%, Bru Vân Kiều 25,6%, Xơ Đăng 28,5%, Ba Na 28,5% và Si La 29,6%.

Đánh giá tác động đến tiếp cận thông tin của đồng bào DTTS, hệ thống kết cấu hạ tầng cũng có ảnh hưởng không nhỏ, tác động đến thói quen đi lại, khai thác các dịch vụ tiện ích công cộng như: nhà văn hóa thôn, địa điểm sinh hoạt cộng đồng, sử dụng điện lưới quốc gia...

Đến cuối năm 2019, vùng đặc biệt khó khăn còn 51/5.468 xã vùng DTTS và miền núi chưa có đường ô tô kết nối UBND xã với UBND huyện; 187 xã chưa có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 9.474 thôn chưa có đường cứng hóa đến trung tâm xã; 3.400 thôn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 72.634 phòng học, 1.335 trạm y tế xã, 1.749 nhà văn hóa xã và 7.072 nhà văn hóa thôn chưa được kiên cố hóa; 2.917 xã chưa có chợ.

Kết quả điều tra, có 96,7% hộ gia đình DTTS có sử dụng điện lưới để thắp sáng, gần như không thay đổi so với năm 2015 (96,6%). Sự khác biệt giữa các vùng KT-XH trong sử dụng điện lưới cho sinh hoạt cũng chỉ khoảng 5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, vẫn còn một số DTTS sinh sống ở những địa bàn núi cao, hẻo lánh có tỷ lệ hộ gia đình DTTS sử dụng điện lưới cho sinh hoạt thấp hơn như: Lô Lô 76,3%, Khơ Mú 76,5%, Mảng 80,2%, Mông 80,4%, La Hủ 82,9%, Cơ Lao 84,7%.

Từ các kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS ở Việt Nam, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có nội dung: “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Với mục tiêu nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin góp phần giảm nghèo thông tin; thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng DTTS với các địa bàn trong cả nước; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Xuân Thường