Độc đáo phong tục tập quán các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai
12:37 PM 07/09/2021 | Lượt xem: 711 In bài viết |Bên cạnh các phong tục quen thuộc, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai còn có nhiều phong tục, tín ngưỡng thú vị. Trong đó, nổi bật là tục thờ cúng tổ tiên của người Khmer ở Định Quán; tục gửi con, gửi họ và lễ cấp sắc của người Dao…
Sống chung với nhiều dân tộc khác, cùng với tiếng nói, chữ viết, người Khmer ở H.Định Quán hiện nay thường xuyên thực hành nhiều tập quán văn hóa của dân tộc gắn liền với những ngôi chùa theo hệ phái Nam tông. Trong đó, người Khmer vẫn giữ truyền thống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ không chỉ lúc còn sống mà cả khi họ đã mất. Biểu hiện sinh động cho truyền thống hiếu thảo ấy là có tục thờ cúng tổ tiên (lễ giỗ và lễ cúng).
Nhiều năm điền dã về Định Quán nghiên cứu phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Khmer, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Trần Minh Trí cho biết, lễ giỗ được cộng đồng Khmer tổ chức vào 100 ngày hoặc 1 năm sau ngày mất của người thân. Để làm lễ giỗ, gia đình phải mời nhà sư đến đọc kinh cầu an, cầu siêu với sự có mặt của đông đủ con cháu. Tuy nhiên, hiện nay ở H.Định Quán một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không tổ chức lễ giỗ vào dịp này mà gộp chung với lễ cúng ông bà (lễ Sen dolta) để tiết kiệm.
“Lễ cúng ông bà (lễ Sen dolta) của đồng bào Khmer mang đậm màu sắc Phật giáo, được tổ chức liên tục trong 15 ngày của tháng 8 âm lịch (hiện nay tổ chức trong 3 ngày). Trong thời gian này, nhiều gia đình Khmer ở H.Định Quán thường đến chùa Kiribupharam (P.Xuân Bình, TP.Long Khánh) để hành lễ và sinh hoạt văn hóa. Thông qua tục thờ cúng tổ tiên, những giá trị văn hóa truyền thống như: tri thức dân gian (ẩm thực, các bí quyết cúng lễ), tập quán xã hội, tinh thần cố kết cộng đồng… có dịp được thực hành, diễn xướng và trao truyền qua nhiều thế hệ” - anh Trần Minh Trí chia sẻ.
Trong tín ngưỡng thờ đa thần, người Dao luôn quan niệm vạn vật hữu linh. Để tránh những vận hạn gặp phải trong cuộc đời, người Dao dựa vào cách “cải mệnh” là gửi con, gửi họ (mời thầy cúng tìm một gia đình mới hoặc một dòng họ mới để “nhập khẩu” đứa trẻ vào đó). Hình thức “nhập khẩu” này chỉ thuộc về vấn đề tâm linh và là quy ước giữa hai gia đình, dòng họ, cộng đồng, không thực sự diễn ra trên giấy tờ, pháp lý.
Chị Lê Thị Ái Vân, cán bộ Phòng nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho hay, gửi con, gửi họ là phong tục đã có từ lâu đời, đến nay vẫn được nhiều gia đình người Dao ở Đồng Nai thực hành với mục đích giúp con em mình khỏe mạnh, bình an. Tùy vào mỗi phương thức gửi con, gửi họ mà các bước thực hiện và biểu hiện của nghi lễ có phần giống và khác nhau. Ngoài gửi con, gửi họ, nghi thức trả lễ cho người nhận nuôi cũng được người Dao quan tâm và xem đó là vấn đề cần thiết, bắt buộc khi đứa trẻ đi lấy chồng hoặc làm cấp sắc.
Lễ cấp sắc (hay còn gọi là Pùn Voòng) là nghi lễ đặc trưng trong nghi lễ vòng đời của người Dao, đánh dấu một giai đoạn quan trọng của đời người. Theo phong tục, tất cả nam giới người Dao (từ 7 tuổi trở lên) đều phải trải qua lễ cấp sắc thì mới được cộng đồng, thế giới thần linh thừa nhận, thành viên đó mới là người trưởng thành. Từ đây, họ được phép lập bàn thờ tổ tiên, được quyền tham gia vào các nghi lễ có tính chất cộng đồng. Đặc biệt, họ được học các nghi lễ bắt buộc để có thể tham gia vào thực hiện lễ cấp sắc cho những người khác. Hiện lễ cấp sắc vẫn được tiến hành nhưng các thủ tục thực hiện nghi lễ đã đơn giản hơn để phù hợp với điều kiện sống.
Trong số các dân tộc bản địa ở Đồng Nai, dân tộc Chơro vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa tiêu biểu như: lễ hội Sayangva (cúng thần lúa), Sayangbri (cúng thần rừng)…
Đồng Nai có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số trên 3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 189 ngàn người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống rải rác, xen kẽ trên địa bàn 11 huyện, thành phố và chủ yếu sống tập trung đông ở vùng sâu, vùng xa như: xã Thanh Sơn, xã Phú Túc (H.Định Quán); xã Tà Lài (H.Tân Phú)… Những năm gần đây, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã dần xóa bỏ các phong tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
(baodongnai.com.vn)