Giao lưu văn hóa, kết nối du lịch thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số

03:29 PM 08/10/2021 |   Lượt xem: 1645 |   In bài viết | 

Tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Lai Châu được biểu diễn tại Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội

Lai Châu - vùng đất giàu tiền năng về du lịch

Thế mạnh của Lai Châu là du lịch với nền tảng là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng với sự đa dạng trong văn hóa của 20 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn cộng với sự mến khách của bà con nơi đây. Trước kia, giao thông từ Hà Nội đi Lai Châu hết sức khó khăn. Nhưng với việc đưa đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vào khai thác, từ Hà Nội đi Lai Châu được rút ngắn về thời gian và khoảng cách. Ngày nay, khi du lịch Lai Châu, quan khách chưa cần đặt chân đến các điểm du lịch, chỉ mới di chuyển trên các cung đường thuộc địa phận tỉnh là đã cảm nhận và thưởng ngoạn cảnh quan đẹp hùng vĩ.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm 2021, thị trường trong nước vẫn là nguồn thu chủ yếu của ngành du lịch. Trong bối cảnh đó, khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đều có nhu cầu tìm kiếm những địa danh mới, những sản phẩm mới. Du lịch Lai Châu chưa được nhiều người biết đến nhiều, nhưng đó lại là lợi thế, là cơ hội để Lai Châu ra mắt khách du lịch những dòng sản phẩm an toàn, chất lượng”.

Với nhiều những địa danh như đỉnh Pu Ta Leng, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Tả Liên Sơn... còn khá xa lạ so với nhiều người cho thấy cơ hội và lợi thế của Lai Châu lớn đến mức nào. Những điểm đó là những đỉnh núi nằm trong tốp 10 núi cao nhất Việt Nam. Chinh phục đỉnh Pu Ta Leng được đánh giá là một trong những cung đường núi đẹp nhất Việt Nam trong các tua du lịch mạo hiểm. Tương tự là đèo Khau Cọ, cánh đồng Mường Than, ruộng bậc thang Dào Sang...

Ngoài cảnh quan hùng vĩ, Lai Châu là địa phương có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ðông nhất là đồng bào Thái, Mông, Dao... Hoạt động của các phiên chợ, hay đời sống sinh hoạt, văn hóa tại các bản làng là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. Có thể kể đến chợ Sừng Sì Lờ Lầu ở huyện Phong Thổ, bản du lịch Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), Si Thầu Chải (huyện Tam Ðường)... Trong đó, đến bản Sin Suối Hồ, khách du lịch vừa có thể săn mây, ngắm thác, ngắm ruộng bậc thang, vừa được hòa vào cuộc sống của đồng bào dân tộc.

“Tôi từng đến nhiều bản du lịch cộng đồng nhưng đã hoàn toàn bất ngờ khi đến Sin Suối Hồ, không ngờ người dân ở đây giới thiệu các hoạt động văn hóa hấp dẫn đến thế. Dù là đội văn nghệ địa phương, nhưng các bạn biểu diễn rất cuốn hút. Sau này, tôi đã mời đội văn nghệ đi biểu diễn ở một số sự kiện quan trọng của ngành du lịch”. Ông Trương Việt Hùng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Lữ hành Hà Nội chia sẻ.

Kết nối du lịch, kết nối văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

Từ năm 2019, tỉnh Lai Châu và TP. Hà Nội đã có nhiều nội dung làm việc quan trọng về hợp tác thương mại và du lịch. Triển khai các nội dung hợp tác này, ngành du lịch Hà Nội và Lai Châu đã xây dựng bản đồ du lịch chung giữa hai tỉnh, thành phố; tổ chức các đoàn khảo sát du lịch...

Từ năm 2020 đến nay, hoạt động liên kết du lịch Hà Nội - Lai Châu “bùng nổ” khi nhiều tua du lịch khám phá Lai Châu ra đời, giúp cho khách du lịch, các hãng lữ hành trên địa bàn Thủ đô có nhiều lựa chọn trong xây dựng sản phẩm mới; đồng thời, đem lại lợi ích thiết thực cho du lịch Lai Châu.

Cũng tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, bên cạnh Hồ Gươm lịch sử, tỉnh Lai Châu đã tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch. Các chuyên gia, đại diện các hãng lữ hành đánh giá, đây là sự đột phá về tư duy của Lai Châu khi chủ động đem sản phẩm đi “chào hàng” tại một trong hai thị trường du lịch quan trọng nhất cả nước. Tại các sự kiện, khách tham quan được khám phá nhiều nét văn hóa độc đáo, mua sắm nhiều sản vật của Lai Châu. Đặc biệt còn có các hoạt động liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Lai Châu; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, kết nối các doanh nghiệp du lịch hai bên…

Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, việc Lai Châu chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi đúng, nhất là hoạt động du lịch cộng đồng. Ðây là mô hình cần nhân rộng. Tuy nhiên, để cung - cầu gặp nhau, để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, thì phải tăng cường các hoạt động khảo sát, xây dựng sản phẩm, khắc phục vấn đề nhân lực yếu.

Cũng phải nhìn nhận rằng, trước đây hoạt động tại một số điểm du lịch ở Lai Châu còn mang tính tự phát, cần sớm đưa vào quy hoạch, có hướng dẫn cụ thể để tăng cường chất lượng du lịch, tạo sức ảnh hưởng ngày càng lớn lơn nữa cho du lịch Lai Châu. Bên cạnh đó, việc xây dựng những “cung đường du lịch”, giới thiệu những điểm đến hấp dẫn, có sự gắn kết các điểm du lịch với nhau là việc làm hết sức quan trọng.

Nhận diện được điều đó, du lịch Hà Nội - Lai Châu đang đứng trước cơ hội lớn khi tuyến đường TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đi TP. Lai Châu (tỉnh Lai Châu) đang được xúc tiến triển khai. Tuyến đường sẽ tạo điều kiện cho giao thông từ Hà Nội đi Lai Châu thuận lợi, tạo đà thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai địa phương, góp phần phát triển kinh tế, từng bước thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS.

Xuân Thường