Lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông

11:35 AM 12/09/2021 |   Lượt xem: 588 |   In bài viết | 

Trang phục truyền thống của người Mông đen Lạng Sơn

Thôn Khuổi Làm thuộc xã Cao Minh có 54 hộ, với 220 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Hằng năm, người dân trong thôn thường xuyên được tuyên truyền, khuyến khích tự may thêu trang phục và mặc trang phục dân tộc trong những sự kiện như cưới, hỏi, lễ hội văn hóa diễn ra ở thôn, xã…

“Hiện nay, với sự giao thoa văn hóa, kết nối thương mại giữa các vùng miền, quần áo được may sẵn bày bán nhiều và đẹp mắt nên thế hệ trẻ không còn muốn làm trang phục truyền thống nữa. Chính vì vậy, những người già trong thôn như chúng tôi thường truyền dạy cho con cháu biết thêu thùa làm trang phục của dân tộc, để trang phục dân tộc được lưu giữ và bảo tồn”. Bà Trịnh Thị Khén, người dân thôn Khuổi Làm cho biết.

Nhận thức được những giá trị của văn hóa truyền thống, hầu hết người Mông trong xã Cao Minh đều có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Ngoài việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị của trang phục truyền thống, bà con còn lưu giữ những làn điệu dân ca, công thức nấu rượu truyền thống, làm khèn lá, sáo bốn lỗ, các món ẩm thực như thịt treo gác bếp và những trò chơi dân gian như kéo co, múa khèn…

Trang phục là một trong những giá trị tạo nên bản sắc đặc trưng của một dân tộc. Chính vì vậy, việc thêu trang phục truyền thống lâu nay đã trở thành việc làm truyền thống, nếp sinh hoạt của người phụ nữ Mông nơi đây. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, từng mũi kim, đường chỉ tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo rất đẹp mắt.

Bà trịnh Thị Đối, thôn Khuổi Làm chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng không biết cắt may trang phục dân tộc, nhưng khi về làm dâu, tôi được mẹ chồng dạy cách làm trang phục truyền thống để mặc vào các dịp lễ, tết. Tôi rất vui khi tự tay làm được những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình cho các thành viên trong gia đình” chị Đối vui vẻ cho biết.

Người cao tuổi trong thôn truyền dạy cho con cháu cách thêu thùa, giữ gìn trang phục dân tộc mình

Để gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc nơi đây, ngoài ý thức trong mỗi gia đình, mỗi bàn làng, còn có sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Trịnh Thế Truyền - Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, tranh thủ phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc; triển khai đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

“Năm 2020, xã khuyến khích bà con thành lập Câu lạc bộ khôi phục bản sắc và trang phục dân tộc Mông với 20 thành viên. Câu lạc bộ đã huy động nguồn lực xã hội hóa, vận động các hội viên khôi phục nghề làm trang phục truyền thống cũng như truyền dạy các làn điệu dân ca”, ông Truyền cho biết.

Với việc lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, đã từng bước tạo cho thế hệ trẻ người Mông xã Cao Minh ý thức trong việc lưu truyền, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình, để văn hóa truyền thống không bị mai một trước sự phát triển, giao thoa văn hóa trong xã hội hiện đại, góp phần đóng góp vào sự đa dạng, bền vững của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

PV