Kiên Giang: Chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số
11:14 AM 23/08/2021 | Lượt xem: 503 In bài viết |Qua 3 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS)” giai đoạn 2018-2021 của tỉnh Kiên Giang, đã có một số chỉ tiêu được tập trung chỉ đạo triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực. Các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ đã đạt tỷ lệ cao.
Tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (12 huyện và 03 thành phố), 144 xã, phường, thị trấn, 950 ấp, khu phố. Có 70 xã được phân định khu vực thuộc vùng DTTS. Dân số 1,72 triệu người với 27 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó có 26 DTTS với 280.259 người, chiếm 15,48%. Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 3.05%, thu nhập bình quân đầu người 2.418 USD, đời sống Nhân dân trong tỉnh nói chung và đồng bào DTTS nói riêng không ngừng được cải thiện, nâng lên. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương và cộng đồng các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH ở vùng DTT5, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo... được triển khai, thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, làm cho đời sống của đồng bảo DTTS được nâng lên rõ rệt, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm bình quân giảm trên 32% (từ 4.854 hộ chiếm 7,29% của năm 2018, đến nay còn 2393 hộ chiếm 3,4%). Hoạt động văn hóa, nghệ thuật của đồng bào DTTS tiếp tục được bảo tồn và phát huy, duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cộng đồng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS và vùng biên giới được giữ vững; thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; an tâm lao động sản xuất...
Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ của tỉnh Kiên Giang đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có vai trò của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị và địa phương quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ DTTS, thường xuyên chỉ đạo thực hiện các chính sách, biện pháp nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, tạo thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức nữ phát triển toàn điện; tích cực tham gia và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ, chăm lo, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của phụ nữ, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trong các cấp ủy Đảng và chính quyền, bố trí giữ nhiều chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ngày càng nhiều, tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt vẫn còn ít, nhất là phụ nữ là người DTTS.
Các chương trình cho vay vốn, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các mô hình giảm nghèo bền vững đã tăng cường sự tiếp cận và bình đẳng của phụ nữ, nhất là phụ nữ ở nông thôn, vùng DTTS, từ đó giúp phụ nữ là đồng bào DTTS có việc làm, cải thiện đời sống, tuy nhiên việc đào tạo nghề giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho phụ nữ DTTS còn ít.
Tỷ lệ nữ giáo viên người DTTS đạt tỷ lệ cao, công tác xóa mù chữ cho người dân nói chung và phụ nữ DTTS đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu; những hình thức phù hợp với đặc điểm từng đối tượng và từng vùng, góp phần hạn chế tình trạng tái mù chữ và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em trong vùng đồng bào DTTS được triển khai khá đồng bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng; 90% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; 100% Trung tâm, Trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi.
Đài Truyền thanh các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới trong chương trình thời sự, chuyên mục dân số, sức khỏe, gia đình; trung bình mỗi đài thực hiện 50 tin, bài/năm (4 tin, bài/tháng)...
Một số kết quả đạt được trong công tác bình đẳng giới
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh Kiên Giang đã được các ngành, các cấp quan tâm triển khai đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng, góp phần cho sự phát triển chung của xã hội.
Trong công tác truyền thông, vận động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tỉnh đã tuyên truyền được 12 cuộc với hơn 1.200 lượt người, nội dung về Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, các văn bản của Trung ương và của tỉnh về Bình đẳng giới; đối tượng tuyên truyền là đồng bào DTTS, nhất là phụ nữ, cán bộ, công chức, học sinh các trường dân tộc nội trú, người có uy tín; thông qua hình thức tổ chức các buổi hội nghị tuyên truyền, các buổi nói chuyện chuyên đề. Tổ chức in 1.200 tờ rơi (tiếng Việt, tiếng Khmer); in 1.300 bộ tài liệu có liên quan về giới và bình đẳng giới...
Kết quả đạt được là khoảng 30% hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin về giới, pháp luật về bình đẳng giới; gần 30% trường dân tộc nội trú được tuyên truyền về kỹ năng sống, giới, bình đẳng giới với nội dung và thời lượng hợp lứa tuổi; 30% cán bộ làm công tác dân tộc ở các huyện, xã được tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, lồng ghép giới trong thực hiện chính sách...
Qua 3 năm thực hiện Đề án, đã có một số chỉ tiêu được tập trung chỉ đạo triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực. Phần lớn các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, trưởng ấp, khu phố vùng DTTS được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới. Các trường dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi... đã góp phần quan trọng thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án.
Một số giải pháp thực hiện Đề án giai đoạn 2022-2025
Mặc dù đạt được một số thành công bước đầu nhưng công tác triển khai Đề án còn bộc lộ một số hạn chế như: công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chưa thật sự hiệu quả; tỷ lệ nữ cán bộ người DTTS trong các cấp ủy Đảng, tham gia lãnh đạo, quản lý chưa cao; một số địa phương thiếu chủ động, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; công tác thống kê, thu thập thông tin, số liệu và tổng hợp, báo cáo chưa đầy đủ; bố trí kinh phí cho công tác bình đẳng giới trong vùng DTTS chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Để tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới, tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, các nội dung liên quan đến yếu tố giới... bằng nhiều hình thức, phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương; tăng cường lồng ghép vào các dự án, chương trình phát triển KT-XH; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền; tăng cường xây dựng các mô hình về bình đẳng giới tại các xã có đông đồng bào DTTS. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường phổ thông dân tộc nội trú, người có uy tín trong đồng bào các DTTS. Phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ; huy động sự tham gia của cán bộ ấp, khu phố, học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trong việc tuyên truyền, vận động, thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn. Vận động sự hỗ trợ, tài trợ nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp để thực hiện các hoạt động bình đẳng giới, chú trọng tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Xuân Thường