Kon Plông nỗ lực đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
03:09 PM 20/08/2021 | Lượt xem: 317 In bài viết |Kon Plông là huyện miền núi vùng cao ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có tổng số 08 xã và 01 thị trấn với 72 thôn và 04 Tổ dân phố. Trong đó có 01 xã, 01 thị trấn thuộc khu vực II và 07 xã thuộc khu vực III với 62 thôn đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 7.670 hộ, với 26.646 nhân khẩu thường trú; trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 6.403 hộ, với 23.084 nhân khẩu, chiếm 86,63%. Kon Plông là huyện còn nhiều khó khăn, được thụ hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, trên địa bàn huyện có nhiều DTTS cùng chung sống, đa số sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Tổng số hộ nghèo của huyện năm 2020 là 1.149 hộ, trong đó hộ DTTS 1.148 hộ, số hộ cận nghèo là 558 hộ, hộ DTTS chiếm 100%.
Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông nói riêng diễn ra rất phức tạp, có chiều hướng tăng lên. Theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tỷ lệ tảo hôn chung của các DTTS rất cao, lên đến 26,6%. Một số nguyên nhân chính diễn ra tình trạng này có thể kể đến như: Điều kiện tự nhiên - xã hội nhiều bất lợi; trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của đại đa số đồng bào ở nơi đây còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật tới người dân ở nhiều địa phương còn hạn chế; phong tục tập quán lạc hậu và ăn sâu, bám rễ lâu đời ở một số DTTS; đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, nghèo đói…
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS huyện Kon Plông có nhiều chuyển biến tích cực
Sau khi Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Kon Tum, trong đó có huyện Kon Plông đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm thiểu và tiến đến xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của huyện, tổng số trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện trong thời gian qua có xu hướng giảm dần theo từng năm, không có hôn nhân cận huyết thống. Tổng số cặp tảo hôn từ năm 2016 đến tháng 6/2020 là 91 cặp tảo hôn (tương ứng với 119 người), trong đó: Năm 2016 có 39 cặp (49 người); năm 2017 có 22 cặp (33 người); năm 2018 có 19 cặp (21 người); năm 2019 có 09 cặp (12 người); năm 2020 có 02 cặp (04 người).
Để có được những thành quả trên, các cấp, ngành đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS trên địa bàn, trọng tâm là các hoạt động truyền thông, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp, đối tượng là cán bộ lãnh đạo, mặt trận và các đoàn thể cấp xã, thôn, người có uy tín, các em trong độ tuổi từ 12-16 tuổi, học sinh các trường THCS, THPT, PT DTNT, cha mẹ của các cặp tảo hôn, cha mẹ các em thuộc độ tuổi vị thành niên...; cung cấp thông tin thông qua tài liệu, sản phẩm truyền thông với hình thức đa dạng, phong phú về nội dung như băng rôn, panô, áp phích, tờ gấp, phóng sự bằng tiếng Việt - Xơ Đăng...; tập huấn, nâng cao năng lực, tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án... Ngoài ra, công tác quản lý, kiểm tra được các cấp chính quyền triển khai thường xuyên, nghiêm túc, sớm phát hiện để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong giai đoạn 2021-2025
Không chủ quan với những kết quả đã đạt được, ngày 04/5/2021, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND về việc thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông giai đoạn II (2021 -2025) với mục tiêu trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã, các thầy cô giáo tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giảm bình quân hàng năm từ 4-5 cặp tảo hôn và 01 - 02 cặp kết hôn cận huyết thống ở các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Qua đó: "Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS trên địa bàn".
Ngoài những nguyên nhân truyền thống dễ dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như trước đây, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông dự báo và nhận định với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là thiết bị di động thông minh trong giai đoạn hiện nay, việc khai thác, sử dụng không đúng mục đích của thanh thiếu niên sẽ có tác động không nhỏ và dễ dẫn đến những hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Do đó, tuy giai đoạn trước đây không có trường hợp kết hôn cận huyết thống, nhưng để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng này, huyện Kon Plông đã đưa ra những chỉ tiêu nhằm nâng mức cảnh báo lên cao nhất, trên cơ sở đó các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện.
Kế hoạch đề ra 05 nhóm nội dung hoạt động chính là: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Xây dựng, triển khai, nhân rộng mới mô hình điểm đối với địa bàn vùng DTTS có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao; Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án; Quản lý, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Đề án. Tổng kinh phí cho các hoạt động dự tính 1.105 triệu đồng.
(bandantoc.kontum.gov.vn)