Mường Nhé: Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội
12:20 AM 26/08/2021 | Lượt xem: 436 In bài viết |Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có gần 70% dân số là người Mông nhưng phần lớn là dân di cư tự do từ nơi khác đến vào đầu những năm 2000. Đến nay huyện Mường Nhé đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, ổn định dân cư . Hiệu quả của công tác này đã và sẽ tiếp tục góp phần ngăn chặn, loại trừ bất ổn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên giới cực Tây của Tổ quốc.
Đầu những năm 2000, dân di cư tự do ồ ạt vào địa bàn, lấy đất làm nương rẫy, trực tiếp tác động đến các khu rừng già, rừng đầu nguồn, kể cả khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái; các tệ nạn nghiện hút, buôn bán ma tuý, trộm cắp tài sản, tàng trữ vũ khí trái phép… gia tăng. Đi kèm là việc lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật diễn biến phức tạp.
Đồng bào di cư tự do không được tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sở tại, phá vỡ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện nói chung, khu vực biên giới nói riêng.
Ngày 12/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé nhằm giải quyết những phức tạp do dân di cư tự do gây ra. Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là xây dựng huyện Mường Nhé ổn định về định canh, định cư, không còn hộ du canh, du cư, bảo đảm người dân có đủ đất sản xuất, có nhà ở, có đủ nước sinh hoạt và sản xuất; không còn hộ đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đến năm 2017, UBND tỉnh Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ giao và đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung Đề án giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Đề án được kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2020 nhằm hoàn thành những mục tiêu tổng quát đã được phê duyệt.
“Đến hết năm 2020, huyện Mường Nhé đã bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống cho gần 12 nghìn hộ, đạt 97,83%; số nhân khẩu được sắp xếp là gần 67 nghìn hộ, đạt 97,7% mục tiêu Đề án”. Ông Thào A Dế - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết.
Huyện cũng đã bố trí, sắp xếp ổn định tại chỗ 172 điểm bản và nhóm dân cư. Tại 47 điểm bản được thành lập mới cũng đã sắp xếp, bố trí ổn định dân cư gần 1.800 hộ, bằng 92,7% mục tiêu; với tổng số nhân khẩu được sắp xếp là gần 11 nghìn khẩu, đạt 94,4% mục tiêu.
Bên cạnh việc di chuyển, sắp xếp dân cư tại các điểm bản, UBND huyện Mường Nhé và các chủ đầu tư đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho các hộ, toàn diện trên các mặt: Hỗ trợ di chuyển 488 hộ; hỗ trợ làm nhà ở cho 805 hộ, định mức hỗ trợ 16,4 triệu đồng/hộ; 196 hộ chưa tự túc được lương thực được hỗ trợ gạo; 577 hộ được hỗ trợ dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, giống cây lương thực, con giống, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; 527 hộ được hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh… Tổng kinh phí hỗ trợ thuộc Đề án là gần 205 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai, huyện Mường Nhé cũng đã linh động, lồng ghép nguồn vốn của Đề án với nhiều chương trình khác, nhất là chương trình hỗ trợ làm nhà ở do Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì để hỗ trợ 1.764 hộ làm nhà ở, với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng.
Trong điều kiện quỹ đất vùng thực hiện Đề án hạn chế, huyện Mường Nhé đã áp dụng giải pháp tăng cường cán bộ khuyến nông đến các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất mới như: Trồng nấm rơm, cam, khoai tây, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản được đưa vào ứng dụng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng triển khai Đề án xuống còn 60%, giảm 15% so với năm 2015.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Bí thư Huyện ủy Mường Nhé đánh giá: Công tác định canh, định cư trực tiếp đảm bảo cho đồng bào an cư lạc nghiệp và để vùng dân tộc, miền núi ổn định phát triển. Công tác này đang được huyện Mường Nhé tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả theo mục tiêu của Đề án. Hiệu quả của công tác định canh định cư đã và sẽ tiếp tục góp phần ngăn chặn, loại trừ bất ổn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên giới cực Tây của Tổ quốc.
Đinh Siêng