Nét đẹp trong trang phục của phụ nữ Ca Dong
08:00 AM 20/08/2021 | Lượt xem: 584 In bài viết |Tộc người Ca Dong là cư dân thuộc dân tộc Xê Đăng cư ngụ lâu đời dưới chân núi Ngọc Linh, tập trung trong các xã vùng cao thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam như: Trà Đốc, Trà Tân, Trà Giác, Trà Giáp, Trà Bui, Trà Sơn, Trà Ka... Ngày nay, đồng bào nơi đây vẫn còn giữ nhiều nét đẹp văn hóa trong phong tục tập quán, nghề dệt vải thổ cẩm với các bộ trang phục đặc sắc, rực rỡ đã góp phần làm nên diện mạo đặc trưng của vùng đất, con người và văn hóa Ca Dong so với các dân tộc anh em khác trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
Tôi đã đến huyện vùng cao Bắc Trà My không biết bao lần và lần nào cũng được trải nghiệm vẻ đẹp thanh bình của vùng đất này. Ở đó, có những ngôi nhà sàn truyền thống nằm nép mình bên sườn đồi in bóng xuống dòng sông Tranh; hay bóng dáng của những phụ nữ Ca Dong trong bộ trang phục truyền thống, trong đó, nổi bật với dây thắt lưng màu trắng mộc đầy sức gợi cảm, trên vai mang nặng gùi măng và rau rừng trong buổi chiều từ trên rẫy về làng.
Tò mò bởi nét đẹp riêng của dây thắt lưng, thế rồi chúng tôi cũng được bà Hồ Thị Dôn (70 tuổi), dân tộc Ca Dong hiện sống tại thôn 6, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My chia sẻ: Trong bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Ca Dong gồm váy, áo cộc tay, phần quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất là việc dệt dây thắt lưng màu trắng mộc (tiếng Ca Dong gọi là Preen dxenh). Bởi, từ xa xưa, người Ca Dong quan niệm, màu trắng như một sự tinh khiết, nên phụ nữ Ca Dong trong lúc mặc trang phục, thường quấn thêm dây thắt lưng màu trắng mộc hòa quyện trong một tổng thể thống nhất, mang đậm sắc thái và thêm đặc sắc, rực rỡ tạo cho phụ nữ Ca Dong thêm duyên dáng, cảm thấy tự tin.
Rồi hình như để cho khách hiểu thêm về trang phục truyền thống và Preen dxenh, bà Dôn vào góc nhà đem ra cái gùi nhỏ đựng đồ trang sức và lấy ra dây thắt lưng khoe với chúng tôi: Đây là Preen dxenh, được làm từ sợi bông thời bà còn là con gái. Trước đây, đồng bào Ca Dong ở đây rất nghèo, không có đường sá để giao thương với bên ngoài nên để có sợi bông dệt vải rất hiếm. Đa số không có đồ mặc, chúng tôi phải lên rừng kiếm vỏ cây, lột vỏ của nó về để làm quần áo.
Bà Dôn bảo, không biết Preen dxenh có từ khi nào. Khi lớn lên, nghe mẹ và những người phụ nữ Ca Dong lớn tuổi trong làng kể thì Preen dxenh được làm từ cây dứa rừng (ra xạc). Phụ nữ Ca Dong sau một ngày làm lụng trên rẫy, tranh thủ cắt lá dứa rừng mang về, sau đó dùng dao gọt bỏ phần gai hai bên của lá và lớp màu xanh ngoài ở hai mặt lá, chỉ lấy phần còn lại của những sợi trắng bên trong, rồi đem phơi khô. Sau đó, xe những sợi trắng này lại quấn thành búp để dành dệt Preen dxenh. Một Preen dxenh hoàn chỉnh, thì phụ nữ Ca Dong tốn rất nhiều công sức và dùng không biết bao nhiêu lá dứa rừng. So với Preen dxenh được làm từ lá dứa rừng và Preen dxenh được dệt từ sợi bông vải hay sợi len mua ở chợ huyện thì màu trắng mộc không khác mấy.
Với phụ nữ Ca Dong, khi quấn Preen dxenh vào lưng trông gọn gàng mà vẫn toát lên vẻ kín đáo, đầy nét tinh tế với ước muốn giàu sang, hạnh phúc thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh. Đây còn là công việc thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và là tiêu chí đánh giá tài năng của phụ nữ Ca Dong. Phần dây thắt lưng hay còn gọi là Preen dxenh là tấm vải trắng có chiều rộng từ 15-20cm và dài hơn sải tay (khoảng hơn 1,5-1,6m) khi đã nối các tua bằng sợi len màu đỏ hai đầu lại. Phụ nữ Ca Dong khi dùng dây thắt lưng quấn quanh eo, buộc và thả về trước bụng thành hai dải dài đến đầu gối hoặc gần đến nửa ống chân là tùy ở sở thích của mỗi người.
Thiếu nữ Ca Dong trong trang phục với thắt lưng màu trắng mộc (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Nguyễn Văn Sơn
Hiện nay, người Ca Dong trên vùng cao Bắc Trà My vẫn luôn lưu giữ những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình, trong đó có việc gìn giữ trang phục và dây thắt lưng. Vào các dịp lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, Ngày hội Đại đoàn kết..., phụ nữ Ca Dong nơi đây vẫn luôn sử dụng bộ trang phục với váy và áo cộc tay. Vào dịp đám cưới hay đi chơi xa, thiếu nữ Ca Dong chưa có chồng rất thích đeo chuỗi cườm nhiều màu sắc ở cổ và không quên quấn thêm dây thắt lưng. Đối phụ nữ Ca Dong có chồng và lớn tuổi, ngoài dùng dây thắt lưng ra, họ còn dùng đồ trang sức bằng chuỗi dây đồng dài có gắn lục lạc quấn vào lưng quần, đeo nhiều trang sức bằng đồng, vòng bạc ở tay, ở cổ để tăng thêm vẻ đẹp mỗi khi tham gia lễ hội của làng.
Trước lúc chia tay, chúng tôi tỏ ý muốn nhờ bà Dôn dệt một tấm Preen dxenh từ cây dứa rừng để Bảo tàng tỉnh Quảng Nam làm hiện vật trưng bày nhằm giới thiệu về văn hóa tộc người Ca Dong. Trong sâu thẳm, bà Dôn hứa sẽ cố gắng vì hiện giờ cây dứa rừng ở đây rất hiếm và cũng ít phụ nữ Ca Dong vùng quê bà dệt Preen dxenh từ sợi của cây dứa rừng nữa.
Ai đã từng lên vùng cao huyện Bắc Trà My, đến các làng, thôn của đồng bào dân tộc Ca Dong trong sinh hoạt hằng ngày và vào dịp làng tổ chức lễ hội truyền thống sẽ luôn ấn tượng với hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Ca Dong trong những bộ trang phục truyền thống. Đặc biệt, nếu quan sát kỹ, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước những phụ nữ Ca Dong với Preen dxenh màu trắng mộc - một trong những phụ kiện quan trọng làm nền, tô điểm và làm tăng thêm nét đẹp của đồng bào nơi đây.
(bienphong.com.vn)