Nghệ An: Già làng trưởng bản đã góp phần đắc lực trong công tác xóa đói giảm nghèo
03:54 PM 02/11/2021 | Lượt xem: 1932 In bài viết |Cùng với các cấp chính quyền, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín các huyện miền núi Nghệ An đã phát huy vai trò tập hợp, củng cố, xây dựng bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, từng bước đẩy lùi và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng bản làng vùng sâu, vùng xa ngày càng ấm no, phát triển.
Ông Mong Sơn Tình, trước sống ở xã Kim Đa, nhưng sau khi có Thủy điện Bản Vẽ, ông đã cùng dân bản di dời về lập bản Pùng ka mong, một bản thuần dân tộc Khơ Mú ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Mặc dù sống ở bản mới nhưng năm nào bản cũng gặp sự cố mỗi khi thủy điện xả nước. Nhiều hộ dân đã phải đề xuất với chính quyền cho di dời tiếp. Trước thực trạng đó, ông Mong Sơn Tình đã cùng Ban mặt trận xóm thường xuyên gần gũi, động viên bà con, làm cầu nối các thông tin về cảnh báo thiên tai cho bà con, ổn định đời sống về mọi mặt. “Tôi được bà con tín nhiệm, nên thường xuyên vận động bà con tin tưởng vào đảng chính quyền địa phương, thực hiện và chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Việc vận động của tôi chủ yếu là vấn đề đoàn kết cộng đồng với nhau để cùng chung sống, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn, nhất là trong vấn đề thiên tai lũ lụt. Dân bản chấp hành tốt vì vậy bản tôi là tuyệt đối không có người nghiện ma túy, không có người tham gia buôn bán ma túy, phải tuyệt đối cấm.” Ông Mong Sơn Tình nói.
Tại huyện Quế Phong, mặc dù chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm, nhắc nhở người dân về cảnh báo thiên tai, nhưng bà con không có điều kiện để di dời, vì không có đất ở mới và không có kinh phí di dời. Để từng bước khắc phúc những khó khăn trước mắt, ông Lô Minh Chủng, ở Bản Ăng, xã Thông Thụ đã tiên phong tích cực đề xuất lên cấp trên có nhiều cơ chế chính sách phù hợp hơn, nhất là công tác giám sát việc giao đất sản xuất và đất rừng cho bà con. “Riêng bản của bác là trăm phần trăm di dời Thủy điện Hủa Na đến chỗ ở mới. Bây giờ thì được gọi là Khu tái định cư Huôi Đừa 2. Với vai trò là Trưởng bản, nên tôi thường xuyên động viên bà con, mình phải khắc phục khó khăn trước mắt, giúp nhau tự phấn đấu, tự vươn lên”. Ông Lô Minh Chủng cho biết
Nhiều tấm gương điển hình trên tất cả các lĩnh vực đã xuất hiện ở vùng miền núi và dân tộc tỉnh Nghệ An như ông: Lang Trọng Khâm (huyện Quỳ Châu), Đinh Xuân Kết (huyện Tân Kỳ), Và Chán Vờ (huyện Tương Dương) Bên cạnh đó họ còn góp sức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể vùng miền núi và dân tộc, điển hình như Nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình (huyện Qùy Hợp), Trương Công Bình (huyện Tân Kỳ), Vi Tuyến Chung (huyện Thanh Chương)…
Nghệ An có 39 dân tộc, trong đó chủ yếu là Thái, Mông, Thổ, Ơ đu, Khơ mú. Vùng bà con sinh sống hiện nay đã có những chuyển biến đáng kể với mức tăng trưởng khá; thu nhập bình quân đầu người năm đạt 29,09 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 đến 4%. Ông Lương Văn Khánh Phó Ban dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, miền Tây Nghệ An là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng miền Tây của tỉnh từng bước ổn định và phát triển. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh và hoạt động có hiệu quả, quản lý và điều hành tốt các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Quốc phòng được củng cố và giữ vững, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh được đầu tư xây dựng quan tâm đúng mức. Chất lượng và hiệu quả giáo dục từng bước được nâng lên. Các giá trị và bản sắc văn hóa của các dân tộc được giữ gìn, phát huy... Trong đó có vai trò của các già làng trưởng bản, người có uy tín. Ông Lương Văn Khánh chia sẻ.
Theo Đại tá Dương Hồng Hải, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Nghệ An, trên các tuyến biên giới, ngoài bộ đội biên phòng thì chủ yếu là các dân tộc sinh sống, vì vậy lực lượng biên phòng luôn dựa vào dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới. Chính người dân thường xuyên cung cấp nguồn tin, giúp bộ đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm. Bên cạnh đó bộ đội biên phòng cũng chủ động bảo vệ nhân nhân, giúp dân trong các đợt thiên tai bão lũ xảy ra, trong việc phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới. “Phòng chống bão lụt tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao đối với lực lượng bộ đội biên phòng; Hàng năm chúng tôi trên cơ sở xây dựng các kế hoạch về phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, cứu sập, trình cấp trên phê duyệt, thì chúng tôi cùng với cấp ủy chính quyền địa phương rà soát đánh giá các khu vực, nhất là sông suối, các khu vực khu dân cư mà có nguy cơ sạt lở trên cơ sở đó xây dựng bố trí phương án, đặc biệt chú ý sử dụng lực lượng trong xử lý các tình huống xảy ra.” Đại tá Dương Hồng Hải chia sẻ.
Giai đoạn 2011 - 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 13.504 người uy tín, gồm: Già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, người sản xuất giỏi của 10 dân tộc, tộc người. Họ đã góp phần đắc lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng dân tộc miền núi với 121/252 xã; 570 thôn, bản và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Với những việc làm thiết thực, hành động cụ thể, những “thủ lĩnh” vùng cao Nghệ An đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo vùng sâu vùng xa, tiến tới ngày càng văn minh, ấm no và phát triển.
Quốc Khánh