Ngôn ngữ dân tộc thiểu số phát huy vai trò trong thông tin, tuyên truyền tới đồng bào

03:35 PM 19/09/2021 |   Lượt xem: 1528 |   In bài viết | 

Hội thảo khoa học Đề xuất giải pháp sử dụng thống nhất, hiệu quả ngôn ngữ Xtiêng.

Năm 2008, Hội đồng Khoa học tỉnh Bình Phước đã nghiệm thu đề tài khoa học “Xây dựng hệ thống chữ viết tiếng Xtiêng và biên soạn từ điển đối chiếu Xtiêng-Việt, Việt-Xtiêng”. Sau gần 02 năm triển khai, đề tài do Tiến sĩ Lê Khắc Cường, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, làm chủ nhiệm, đã hệ thống chữ viết tiếng Xtiêng mới gồm có 38 chữ cái, trong đó 15 chữ cái ghi nguyên âm và 23 chữ cái ghi phụ âm. Từ điển Việt-Xtiêng có 6.500 từ và ngữ cố định của tiếng Việt được đối dịch ra từ ngữ tương đương tiếng Xtiêng; từ điển Xtiêng-Việt có gần 5.000 từ và ngữ cố định của tiếng Xtiêng được đối dịch ra từ ngữ tương đương tiếng Việt. Bộ từ điển gồm những lớp từ cơ bản và những từ ngữ được sử dụng phổ biến, thông dụng của đồng bào dân tộc Xtiêng.

Mỗi công trình nghiên cứu có phương pháp tiếp cận và các mục đích nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về người Xtiêng vẫn còn những khoảng trống trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, khảo sát nhiều hơn nữa của nhiều tác giả với nhiều công trình chuyên sâu. Do ngôn ngữ phổ thông của dân tộc Xtiêng chưa được thống nhất để hoàn thiện bộ từ điển Xtiêng-Việt, Việt-Xtiêng nên Chương trình phát thanh và truyền hình tiếng dân tộc Xtiêng còn một số ngôn ngữ chưa đồng bộ, một số người nghe không hiểu được nội dung, gây ảnh hưởng đến công tác thông tin, tuyên truyền cho đồng bào.

Tháng 3/2021, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã chủ trì Hội thảo thống nhất lấy ý kiến tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương điều chỉnh cách viết, cách gọi tên thành phần dân tộc Xtiêng hay S’tiêng. Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước với cách gọi và thể hiện trên văn bản, thủ tục hành chính hai danh từ chưa thật sự thống nhất, lúc thì Xtiêng, có lúc thì S’tiêng, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch, quản lý nhân sự, con người… Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đồng tình với quan điểm lấy tên là S’tiêng, trên cơ sở một Đề tài khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ của đồng bào Xtiêng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần tiến hành cuộc điều tra xã hội học, tập trung vào đối tượng các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Xtiêng. Cần đưa ra các tiêu chí để xác định phương ngữ làm ngôn ngữ Xtiêng phổ thông. Từ đó, sẽ tạo được sự đồng thuận trong các cộng đồng người dân tộc tại các địa phương.

Đồng bào Xtiêng ở Bình Phước được phân định ở hai vùng thấp (Bù Dek) và vùng cao (Bù Lơ), ngôn ngữ dân tộc theo hai nhánh này có phần khác nhau. Sau tiếng Việt, tiếng Xtiêng ở tỉnh Bình Phước cũng trở thành ngôn ngữ thứ hai với một số cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, chữ viết chưa được thống nhất và chưa được đưa vào giảng dạy ở các cấp bậc học. Đội ngũ những người thực hiện phát thanh, truyền hình tiếng Xtiêng chưa được đào tạo bài bản cũng là những khó khăn ảnh hưởng nhiều đến công tác thông tin, tuyên truyền.

Chương trình tiếng Xtiêng trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Phước đã góp phần tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như kiến thức khoa học, kỹ thuật sản xuất đến với đồng bào. Góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Xtiêng trên địa bàn. Để có sự thống nhất trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước cần sớm hoàn chỉnh bộ từ điển tiếng Xtiêng và có sự đồng thuận của các nhóm dân tộc Xtiêng. Tăng cường phối hợp trong việc biên soạn chương trình, giáo trình tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Xtiêng, đưa chữ Xtiêng vào giảng dạy ở các cấp học trên địa bàn tỉnh. Để từ đó, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt nhiệm vụ trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đinh Siêng