Nhiều chuyển biến trong bảo tồn văn hóa dân tộc tại Bình Thuận

11:00 AM 20/08/2021 |   Lượt xem: 508 |   In bài viết | 

Ảnh minh họa.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 35 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, tiếp đến là các dân tộc Chăm, Raglai, Cờ Ho, Hoa, Tày, Chơ Ro, Nùng...

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các giá trị di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát huy phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

Nhiều loại hình di sản văn hóa được khai thác phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch văn hóa, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Giữ gìn giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc

Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, ý thức, trách nhiệm của các cộng đồng dân tộc trong tỉnh về việc gìn giữ, khai thác, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc mình trong đời sống văn hóa ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu, xu hướng phát triển chung của xã hội về giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong tỉnh, trong nước, trong khu vực và thế giới.

Một trong những ưu điểm của địa phương này là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc.

Triển khai chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, hàng năm, Bảo tàng tỉnh triển khai sưu tầm rất nhiều hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu đến nhân dân và du khách tham quan. Tổng số hiện vật Bảo tàng tỉnh sưu tầm từ năm 2010 đến năm 2020 đạt 5.561 hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 29.228 hiện vật gốc, 29.251 hiện vật tham khảo.

Năm 2010, tỉnh Bình Thuận đã khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, với tổng diện tích 1.536m2, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của người Chăm tỉnh Bình Thuận.

Năm 2016, Bảo tàng tỉnh đã cải tạo Nhà khách Tỉnh ủy với diện tích Phòng Trưng bày khoảng hơn 400m2, trưng bày các chuyên đề gồm: Văn hóa Đa Kai, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, văn hóa các dân tộc thiểu số, văn hóa Việt…

Nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, thời gian qua, Sở này đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, thiết lập hồ sơ khoa học các di tích, trình Nhà nước xếp hạng 4 di tích quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 28 di tích quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh của địa phương đều được lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và nghiêm cấm mọi vi phạm gây tác động, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, không gian và cảnh quan môi trường của di tích, danh thắng.

Đến nay, hầu hết các di tích quốc gia và 50% di tích cấp tỉnh đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ. Qua đó, bước đầu bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể địa phương, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đặc biệt, nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống, văn hóa tiêu biểu của địa phương đã được nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, giới thiệu, quảng bá phát triển hoạt động du lịch văn hóa, góp phần thu hút đông đảo du khách đến Bình Thuận.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều chỉ đạo cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu và tư liệu hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một và có xu hướng mất dần theo thời gian. Trên cơ sở đó thực hiện phân loại, đánh giá giá trị và lựa chọn những loại hình văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc trong tỉnh để đề xuất UBND tỉnh cho phép lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong năm 2011 -2012, triển khai thực hiện Đề án “Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trong địa bàn tỉnh Bình Thuận”, đã có 1.314 di sản văn hóa phi vật thể (thuộc 7 loại hình) của các dân tộc trong tỉnh được kiểm kê. Từ năm 2013 -2020, Bình Thuận tiếp tục tiến hành kiểm kê bổ sung văn hóa phi vật thể các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.321 di sản văn hóa.

Tỉnh đã lập 2 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: “Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện  Bắc  Bình, tỉnh  Bình  Thuận”;  “Lễ  hội  Cầu  ngư  tại  vạn  Thủy  Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận”.

Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai xây dựng hồ sơ Lễ hội dinh Thầy Thím, lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn tỉnh Bình Thuận trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021.

Mặt khác, tỉnh Bình Thuận đang phối hợp với tỉnh Ninh Thuận xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp trong thời gian tới.

Ngoài ra, địa phương này còn đang tích cực thực hiện 2 đề án gồm: “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030”; “Kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”; và đang triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”…

(vietnamnet.vn)