Thế hệ trẻ giữ lửa cho múa Khmer

09:55 AM 25/10/2021 |   Lượt xem: 223 |   In bài viết | 

Không khí một buổi tập múa tại chùa Khleang

Dù mỗi người một công việc nhưng cứ đến thứ bảy, chủ nhật hàng tuần các thanh niên lại cùng hẹn nhau ở các điểm chùa để tập luyện các bài hát điệu múa. Các bạn trẻ thường sẽ múa các điệu Răm Vông, Saravan vì động tác khá đơn giản nên mọi người dễ bắt chước để có thể hòa nhập được ngay.

Trong trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu, tiếng nhạc rộn ràng vang lên, từng đôi trai gái, cùng uyển chuyển hòa mình vào những điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng đã thu hút nhiều ánh mắt hiếu kì của khách thập phương đến tham quan chùa. Người biết múa thì hòa nhịp cùng nhóm, vài người chụp hình lưu niệm, có nhiều người nhanh tay quay lại để làm kỉ niệm.

Là người giữ lửa và kết nối các thành viên trong nhóm Lý Hằng là một thanh niên người dân tộc Khmer luôn có một tình yêu sâu sắc và tinh thần trách nhiệm đối với việc gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình. Anh Hằng chia sẻ: “Bản thân tôi là người Khmer nên từ nhỏ tình yêu văn hóa dân tộc đã thấm sâu trong con người tôi. Tôi luôn tự nhủ sẽ góp phần nho nhỏ từ tình yêu văn hóa ấy. Từ thuở nhỏ, nhìn thấy các anh chị biểu diễn nghệ thuật Khmer, tôi rất thích. Tôi còn hay tập theo những động tác múa, hát. Và cái mong ước ấy dần thành hiện thực khi nhà trường thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa văn nghệ. Tạo điều kiện cho những người yêu văn hóa như tôi được tham gia, biểu diễn những động tác múa, những bài hát đặc trưng của dân tộc mình”.

Ngoài ra mỗi dịp lễ chùa, Hằng cùng các bạn cũng thường xuyên biểu diễn phục vụ cho người dân thưởng thức. Hiện tại Hằng cũng là cầu nối để kết nối với các bạn yêu văn hóa Khmer lại với nhau. Nhằm mong muốn bảo tồn và phát huy, quảng bá văn hóa của Khmer đúng đắn, phát triển, được biết đến rộng rãi hơn.

Ngoài việc quay clip để đưa lên mạng xã hội, các bạn còn thường xuyên đi múa cho các chùa nhân dịp Tết Chôl Chnam Thmây, Sen Đonta, lễ Dâng Y, khánh thành chính điện,….để thỏa niềm đam mê. Cũng có niềm đam mê với các điệu múa dân tộc như Lý Hằng, cô gái Thạch Thị Mỹ Hồng Dung, chia sẻ: “Tôi biết múa, hát tiếng Khmer từ khi còn chưa biết đọc biết viết, nhờ những lần bà dẫn lên chùa xem người ta múa hoặc các chương trình tiếng Khmer vào mỗi buổi chiều tôi tập theo, rất tự nhiên những lời ca điệu múa thân quen như hơi thở cuộc sống của tôi. Càng yêu nền văn hóa này bao nhiêu tôi lại càng muốn giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống đến với mọi người…”

Sau những clip đăng tải trên mạng xã hội nhóm bạn trẻ nhận về nhiều lời khen, khích lệ và động viên tinh thần để tiếp tục ra các sản phẩm mới vừa mang tính dân tộc vừa biến tấu sáng tạo bởi những người trẻ.

 Văn hóa truyền thống người Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng, vốn có truyền thống từ lâu đời và có nền văn minh phát triển từ khá sớm. Những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer đã có nhiều đóng góp tích cực vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, tạo nên một bức tranh tổng thể góp thêm sự phong phú, đặc sắc và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong xã hội hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa ngày càng bị mai một có nguy cơ mất đi thì văn hóa truyền thống của người Khmer đặt biệt các thể loại múa, hát đang được các bạn trẻ tiếp thu và làm mới để đến gần hơn với mọi người.

Hương Trà