Tổ chức Lễ Kathina chu đáo, trang nghiêm phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19
04:32 PM 02/11/2021 | Lượt xem: 2159 In bài viết |Lễ Kathina (lễ Dâng y cà sa) là lễ truyền thống quan trọng của đồng bào phật tử và sư sãi ở các chùa Nam tông Khmer, sau 3 tháng nhập hạ cầu mưa thuận gió hòa, gia đình phum sóc an yên và thành kính dân y cà sa cùng các vật dụng, cúng dường cho chư tăng. Hằng năm hoạt động tín ngưỡng này thu hút hàng trăm tín đồ phật giáo Nam tông Khmer tham gia. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh số người tham gia rất hạn chế, tuy vậy nét đẹp truyền thống văn hóa này vẫn được trao truyền, lưu giữ một cách trang nghiêm và thành kính.
Năm 2021, Lễ Kathina được tổ chức từ 22/10 - 19/11. Đến dịp Lễ, các phum sóc ở khu vực Tây Nam bộ đều bận rộn tổ chức lễ Kathina, dù không thể tổ chức long trọng như mọi năm nhưng các phật tử vẫn chuẩn bị đủ lễ dâng lên cúng dường cho các sư đang tu học tại các chùa. Sóc Trăng là địa phương có rất đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đa số đồng bào đều là tín đồ của phật giáo Nam tông Khmer, mỗi năm đến mùa lễ Kathina, các chùa đều tổ chức long trọng và trang nghiêm, trong không khí náo nhiệt, rực rỡ sắc màu là các trò chơi dân gian, các nhạc cụ rộn ràng thanh âm, mọi người đều rủ nhau lên chùa làm lễ dâng y cầu mong gia đình yên ấm phước lành. Nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng kêu gọi các chùa tổ chức theo mức độ nguy cơ theo từng vùng.
Hòa Thượng Tăng Nô Trưởng Ban Trị sự Giáo Hội phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết, các chùa sẽ thực hiện theo nguy cơ mà các cấp có thẩm quyền đã quy định. “Đối với những địa phương ở mức độ thuộc vùng đỏ, vùng cam, Trụ trì, Ban quản trị, Achar không được thỉnh và phân công các vị sư tham gia tụng kinh thuyết pháp tại gia đình các phum sóc. Việc tổ chức lễ Dâng y các chùa không phát thiệp mời mà giao cho 1 tổ viên, 1 vị tổ chức quyên góp tịnh tài và tứ vật dụng cúng dường cho các chùa xong rồi về. Nghi thức tăng sự do Trụ trì và các tỳ khưu tự thực hiện, có sự tham gia của 2 - 3 vị Achar để làm lễ; Ở các vùng có mức độ vùng vàng và vùng xanh sẽ tổ chức lễ không quá 20 người, các chùa và thí chủ Kathina không phát thiệp mời, không tổ chức diễu hành, chỉ đến chùa cúng tiền và tứ vật dụng xong rồi về. Nghi thức tăng sự do Trụ trì và các tỳ khưu tự thực hiện, có sự tham gia của 4 - 5 vị Achar để làm lễ. Đồng thời, phải thông báo đến chính quyền địa phương, các chùa chỉ làm lễ và không tổ chức phần hội” Hòa Thượng Tăng Nô thông tin thêm.
Bà Bành Ngọc Phương, phật tử chùa Pitu Khôsa Răngsây (quận Ninh Kiều TP. Cần Thơ) cho biết: Hàng năm, lễ Dâng y có rất đông phật tử đến tham gia nhưng năm nay chỉ có khoảng 30 phật tử tham gia. Dù vậy tôi cũng rất vui khi được tham gia. Quỳ trước phật tôi mong phật minh chứng cho lòng thành của tôi ban cho gia đình tôi nhiều phước lành.
Các phật tử thực hiện nghi thức dâng y cà sa cho các chư tăng
Trong những năm gần đây lễ Dâng y của đồng bào Khmer được tổ chức chu đáo và long trọng hơn trước đây do đời sống bà con ngày càng khấm khá. Gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (ngụ quận Ninh Kiều) - người tổ chức dâng lễ tại chùa Pitu Khôsa Răngsây, cho biết: “Muốn được tổ chức đám rước Kathina gia đình đã lên kế hoạch và đề nghị với nhà chùa từ vài năm trước, nhưng đến nay mới đủ duyên làm chủ lễ. Được tổ chức lễ Kathina là ước nguyện cả đời tôi, đó cũng là ước nguyện của gia đình người Khmer. Vì cả đời mỗi người chỉ được làm một lần nên tôi rất hoan hỷ và mong muốn mọi việc được diễn ra chu đáo, để thỏa lòng ước nguyện, lòng thành kính với đức phật và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Dù không thể làm lớn nhưng mọi thứ điều được chuẩn bị chỉnh chu, tỉ mỉ và đầy đủ lễ để dâng lên cho các chư tăng, vậy tôi cũng rất mãn nguyện rồi” bà Linh chia sẻ.
Kathina là nét đẹp truyền thống trong đời sống cộng đồng người Khmer, là dịp để quyên góp các sư sãi lo việc trong chùa, cùng thực hiện các hoạt động thiện nguyện an sinh xã hội giúp đỡ đồng bào lúc khó khăn, hoạn nạn. Dù năm nay không thể tổ chức long trọng như mọi năm nhưng vẫn gìn giữ nét đẹp truyền thống, ý nghĩa từ bao đời nay của đồng bào, góp phần làm giàu đẹp văn hóa các dân tộc anh em.
Hương Trà