Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc

10:45 PM 25/08/2021 |   Lượt xem: 2703 |   In bài viết | 

Đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận vui đón lễ hội Ka tê. Ảnh: Nguyễn Văn Bình

Theo bản Hiến pháp về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, tại Điều 18 quy định về tự do tôn giáo, tín ngưỡng có viết: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo, tín ngưỡng do mình tự lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác một cách công khai hoặt thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo. Không một ai ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

Nhưng trước đó, chỉ một ngày sau khi tuyên bố Việt Nam là một nước độc lập, ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời, một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết lại”. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện quan điểm vì dân của chính quyền mới được đông đảo nhân dân tán thành và ủng hộ.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, suốt 76 năm qua, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng và ngày càng đáp ứng đầy đủ hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Chính vì chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo mà trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã có hàng triệu người con dù là Lương hay Giáo đã có những đóng góp tích cực về sức người, sức của cho các công việc chung của dân tộc. Có gia đình cả nhà là linh mục, tu sĩ, nhưng đều theo kháng chiến như linh mục Phạm Bá Trực, sau này là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, gia đình linh mục - liệt sĩ Nguyễn Bá Luật.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, các vị linh mục như Hồ Thành Biên, Trần Quang Nghiêm và rất nhiều vị linh mục khác đã tạm ngừng việc đạo để lên chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến. Ông Huỳnh Cương là một nhà tu cũng đã hoàn tục để tham gia cách mạng và sau này, ông trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội. Nhiều nhà thờ Công giáo cùng với những ngôi chùa của đạo Phật, thánh thất của đạo Cao Đài đã là nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Không ít chức sắc và bà con giáo dân quên mình hy sinh cho sự sống còn của đất nước, của dân tộc, nhiều vị đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Trong thế giới tinh khiết nơi cửa thiền, các nhà sư chăm lo sửa mình và sửa người về Phật pháp nhưng không quên đạo lý về cuộc đời, về con người. Từ trong bản ngã của người tu hành, nhà sư cảm nhận được những năm tháng thăng trầm của lịch sử dân tộc, hiểu biết sâu sắc ý nghĩa của việc trừ tà, khuyến thiện, tìm thấy trong đó giá trị của cuộc sống là sự hy sinh với sự nghiệp xả thân cho cuộc sống nhân gian. Sâu thẳm trong mỗi người Việt Nam đều ơn công lao của các bậc sinh thành, người có công với dân, với nước. Triết lý nhà Phật không bao giờ xa rời cuộc sống nhân gian, lấy nhân tâm bảo vệ cho sự tồn vong của thế giới con người.

Cùng với đạo Phật, Thiên chúa giáo là một trong hai tôn giáo có số tín đồ đông đảo ở nước ta. Tự do tôn giáo, tự do hành đạo là nguyên tắc cơ bản của Nhà nước Việt Nam. Bằng tất cả tấm lòng chân thành của người Công giáo, cha xứ, các vị chức sắc, bà con giáo dân ngoài việc chăm lo tới đời sống cộng đồng, còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, góp tiếng nói của mình vào sự nghiệp chung của dân tộc. Linh mục và bà con giáo dân trong giáo xứ luôn tâm niệm, cùng chung nguyện ước: Kính Chúa, yêu nước, tốt đời, đẹp đạo, phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc.

Tuy nhiên, lợi dụng tình cảm sùng kính Thiên chúa của một số đồng bào giáo dân, ở một số nơi, các chức sắc, tu sĩ đã kích động, kêu gọi bà con giáo dân cầu nguyện đòi đất, căng băng rôn, khẩu hiệu, ném gạch đá vào người thi hành công vụ, bắt người trái phép... Cũng cùng mục đích như vậy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ chức phản động đã lợi dụng sự thật thà, cả tin, thiếu hiểu biết của bà con để dựng lên tà đạo Hà Mòn ở Tây Nguyên, đạo Thìn Hùng, Vàng Chứ ở Tây Bắc...

Chính quyền và lực lượng chức năng các tỉnh đã nhanh chóng chỉ rõ những thủ đoạn lôi kéo, kích động, gây rối của các tổ chức phản động bên ngoài để bà con cảnh giác đề phòng, đồng thời, phân tích những sai lầm để các đối tượng sai phạm đứng ra tự nói rõ việc làm sai trái của họ. Qua đó, bà con hiểu rõ thực chất của các tà đạo mà mình đang theo.

Sự thật, công lý, luật pháp và truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của đồng bào sẽ chiến thắng tất cả những âm mưu, thủ đoạn đen tối của một số phần tử xấu trong và ngoài nước nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đảm bảo sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật, phù hợp với tiến trình xã hội, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, đem lại thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, chức sắc và của các giáo hội. Cơ sở thờ tự được sửa chữa, sửa sang, xây dựng mới ngày càng nhiều. Các ấn phẩm kinh sách được xuất bản và phát hành phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tu hành của tín đồ.

Cùng với đó, nhiều nghi lễ, nét đẹp văn hóa dân tộc đã được tiếp thu và đưa vào phục vụ lễ nghi của đạo như tục thắp hương trước vong linh người quá cố, các nhạc cụ, giai điệu dân ca của dân tộc cũng được sử dụng trong các buổi hành lễ. Quan hệ quốc tế của các Giáo hội và chức sắc tôn giáo mở rộng trên cơ sở nhiều hoạt động viếng thăm, hội thảo khoa học, giao lưu trao đổi về tôn giáo, văn hóa, từ thiện xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam.

Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyệt đại đa số đồng bào dù theo tôn giáo này hay tôn giáo khác đều là nhân dân lao động, có lòng yêu nước nồng nàn, có những đóng góp tích cực cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới, với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc”, đồng bào lại tiếp tục kề vai, sát cánh cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chính từ sự hưởng ứng và tự giác tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo mà đại diện là các vị chức sắc, nhà tu hành đã thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển lên một bước với nhiều kết quả thiết thực. Nhiều tổ chức từ thiện được các Giáo hội thành lập cùng với MTTQ Việt Nam chăm lo cho người nghèo, người có công, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, xây nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết, chăm sóc sức khỏe cho người mắc bệnh phong, HIV/AIDS.

Có thể nói, trong suốt 76 năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của người dân; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hòa trong dòng chảy lịch sử, sức mạnh được hun đúc từ mạch nguồn truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc, lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường đã cảm hóa, nuôi dưỡng và kết nối người dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, ý thức hệ gắn bó khối đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(bienphong.com.vn)