Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo

09:21 AM 09/09/2021 |   Lượt xem: 277 |   In bài viết | 

Vốn tín dụng chính sách tạo cơ hội cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo ở các địa phương

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), tính đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 233.426 tỷ đồng. NHCSXH đang quản lý tổng dư nợ đạt 226.197 tỷ đồng, với hơn 7,9 triệu món vay của trên 6,4 triệu khách hàng còn đang dư nợ. Trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, với doanh số vay là 162.519 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 106.515 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 56.004 tỷ đồng. Bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 39,4 triệu đồng (bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng).

Qua triển khai cho thấy, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó: có trên 02 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 165 nghìn lao động (trên 18 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 216 nghìn căn nhà ở…

Điển hình, vào năm 2013, anh Pang Ting Y Thuốt, người M’nông (thôn 1, xã Rô Men, Đam Rông, Lâm Đồng) mạnh dạn vay 30 triệu của NHCSXH để xây chuồng trại, mua bò giống và cải tạo vườn cà phê già cỗi. Sau 2 năm, từ 1 con bò mua bằng vốn vay, gia đình anh đã có 3 con và 1,2 ha cà phê cho năng suất 4,5 tấn, cao hơn 2 tấn so với trước đó. Nhờ vậy, gia đình anh đã thoát nghèo và trả xong toàn bộ khoản nợ vay. Đầu năm 2016, anh Y Thuốt chuyển sang vay vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo, với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng diện tích cà phê và trồng thêm một số loại cây mới như bơ, mít, sầu riêng, dâu tằm. Năm 2018, anh tiếp tục vay NHCSXH 12 triệu đồng để làm nhà vệ sinh và công trình cấp nước sạch, cải thiện điều kiện sống.

Trường hợp của anh Y Thuốt chính là điển hình được thụ hưởng phương thức tín dụng chính sách theo chuỗi do NHCSXH thực hiện. Anh cho biết, đồng vốn đúng thời điểm, đã theo suốt hành trình phát triển của gia đình anh từ khi là hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho đến thời điểm vay vốn để cải thiện điều kiện sinh hoạt theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều do Nhà nước quy định.

Tính ưu việt của tín dụng chính sách ở nước ta là đã thiết kế một chuỗi các sản phẩm tín dụng phục vụ người nghèo, các đối tượng chính sách khác theo suốt tiến trình phát triển của họ. Từ nghèo, cận nghèo đến khi thoát nghèo đều có sự hỗ trợ của tín dụng chính sách thông qua 3 chương trình tín dụng được triển khai đồng thời là chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo và cho vay hộ mới thoát nghèo.

Hiện nay, trong cơ cấu vốn tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH, chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 14,6% tổng dư nợ; cho vay hộ cận nghèo chiếm 15%; cho vay hộ mới thoát nghèo chiếm 17,1%.

Chuỗi sản phẩm tín dụng của 3 nhóm chương trình trên đã tạo thành hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân, vừa hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa giải quyết sự thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, học tập, nước sạch, vệ sinh môi trường… với mục tiêu không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.

Xuân Thường