Bà con các dân tộc phát triển kinh tế nhờ thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp

03:59 PM 07/10/2021 |   Lượt xem: 1343 |   In bài viết | 

Bà con các dân tộc ở xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trồng bí xanh cho năng suất cao.

Gần 10 năm trước đây khi nói đến việc nuôi cá đặc sản ở lòng hồ đối với anh Đinh Công Hoán, xóm Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc là một khái niệm khá mơ hồ. Từ khi được địa phương tuyên truyền xây dựng mô hình nuôi cá lồng, năm 2014 gia đình anh Hoán là một trong những hộ đầu tiên thực hiện. Qua tìm hiểu và đi tham quan, học hỏi nhiều nơi, anh Hoán quyết định nuôi một số loài cá đặc sản như: cá lăng, cá ngạnh, cá chiên... Đến nay đã phát triển được 8 lồng nuôi. Cá đặc sản nuôi trên hồ nguồn nước đảm bảo nên chất lượng thơm ngon hơn cá nuôi ở ao, hồ do đó thị trường tiêu thụ ổn định. Mỗi năm gia đình anh Hoán bán hàng chục tấn cá với thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng.

Không chỉ riêng gia đình anh Đinh Công Hoán mà giờ đây nhiều hộ gia đình ở xã Suối Hoa đã mạnh dạn đầu tư để làm mô hình nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Suối Hoa là 18ha với 585 lồng cá.

Anh Đinh Công Hoán, xóm Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc phấn khởi bên những lồng cá của gia đình

Câu chuyện thay đổi tư duy giúp đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp không chỉ có ở huyện Tân Lạc, mà ở huyện Yên Thủy cũng là một địa phương với gần 70% dân số là đồng bào DTTS, những năm gần đây huyện Yên Thủy là một trong những huyện đi đầu ở tỉnh Hòa Bình trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn thể cộng đồng, hiện nay Yên Thủy đã hình thành các vùng tập trung, chuyên canh như: Trồng bầu, bí ở xã Bảo Hiệu, Lạc Lương, Đoàn Kết; cà gai leo ở xã Đa Phúc... Phát triển các mô hình trồng cây công nghiệp, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao ở Phú Lai, Ngọc Lương...

Với hiệu quả kinh tế cao, các mô hình nuôi, trồng mới đã từng bước khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh Hòa Bình, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con các dân tộc, đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Với những kết quả đạt được trong những năm gần đây, những câu chuyện thoát nghèo nhờ thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy trong sản xuất không còn là chuyện hiếm ở vùng DTTS của tỉnh Hòa Bình. Bà con các dân tộc đang từng bước chủ động thay đổi tư duy, tiếp nhận những kiến thức mới để thích ứng với sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên vùng DTTS vẫn đang là khu vực còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, vì vậy để tạo nên những bước tiến lớn hơn trong đời sống của bà con ở vùng DTTS của tỉnh Hòa Bình, cần tiếp tục có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, định hướng phát triển sản xuất... qua đó giúp bà con có thêm cơ hội phát triển, giảm nghèo bền vững.

Bùi Quyên