Đồng bào các dân tộc thiểu số Đồng Nai: Giữ lửa nghề truyền thống trong đại dịch

11:02 PM 18/09/2021 |   Lượt xem: 3515 |   In bài viết | 

Vợ chồng già Điểu Thanh đan gùi trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: MINH CẦM.

Thế nhưng với đồng bào các dân tộc ở Đồng Nai thì đây chính là quãng thời gian “lý tưởng” để bà con duy trì nghề truyền thống và hướng dẫn thanh niên yêu thích, học nghề cha ông truyền lại... 

Nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống

Đồng Nai là tỉnh có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số trên 3 triệu người, trong đó dân số đồng bào dân tộc thiểu số là 189.098 người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số như: Chơ Ro, Mạ, S’tiêng, Chăm, Tày, Nùng… sống rải rác, xen kẽ trên địa bàn các huyện, thành phố và chủ yếu sống tập trung đông ở vùng sâu, vùng xa.

Gần hai tháng nay, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại huyện Định Quán (Đồng Nai), già Điểu Thanh (dân tộc Chơ Ro) ở ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, không còn lên rẫy thường xuyên như những ngày thường mà chủ yếu ở nhà, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ, già Điểu Thanh cùng vợ là bà Điểu Thị Gánh đang mải miết chuốt từng “sợi lùng”, đan những chiếc gùi đang còn dang dở.

Già Điểu Thanh cho hay, từ mấy chục năm về trước, gia đình già đã làm nghề đan gùi, bắt đầu từ đời cha ông, rồi giờ tới già. Lên 14 tuổi, già được bố mẹ dạy cách đan lát, chỉ một năm sau đã biết đan các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, trong đó có chiếc gùi đi rẫy. Năm nay, già tròn 77 tuổi đời, tuổi nghề cũng theo đó “ngót nghét” hơn 60 năm. Ngoài đan gùi, già Điểu Thanh còn đan đó, rổ, nia... phục vụ nghề nông.

“Nghề đan gùi của người Chơ Ro ở huyện Định Quán “thời hoàng kim” nhà nhà đều làm. Riêng vợ chồng già mỗi tháng đan được 1-2 chiếc gùi, giá cả tùy vào từng sản phẩm, kích cỡ… Trong mùa dịch này, vợ chồng già ở nhà đan gùi nhiều hơn, không phải có khách đặt mua mà đan nhiều chỉ là để khỏi quên nghề”, già Điểu Thanh chia sẻ.

Theo lời kể của Phó chủ tịch HĐND xã Túc Trưng Điểu Hoàng, hiện tại huyện Định Quán chỉ còn mình già Điểu Thanh là làm nghề đan gùi. Mặc dù gia đình già Điểu Thanh có 9 người con nhưng không có ai theo học và giữ nghề đan gùi của cha. Các con của già chủ yếu theo nghề nông và đi làm công nhân, không còn mặn mà với nghề truyền thống. Các sản phẩm của già Điểu Thanh đan lát phần lớn được sử dụng cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Còn tại huyện Tân Phú, đồng bào Mạ ở đây cũng có nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Tận dụng những ngày giãn cách xã hội, nhiều nghệ nhân địa phương đã tranh thủ thời gian nhàn rỗi, hướng dẫn trẻ em học nghề của dân tộc. Để giúp nhiều người biết hơn về văn hóa, nghề truyền thống của đồng bào Mạ, S’tiêng ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, chị Ka Tuyền (hướng dẫn viên du lịch Vườn Quốc gia Cát Tiên) đã lập trang Fanpage Thổ cẩm Tà Lài. Trên trang Fanpage này chị tích cực chụp hình và giới thiệu các sản phẩm: Gùi, váy áo, túi xách, giày dép… của đồng bào đến cộng đồng.

Chị Ka Tuyền cho biết: “Hiện nay, tôi có đơn hàng (11 chiếc gùi) của khách các tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh đặt. Tôi và bà con ở địa phương đã hoàn thiện các mẫu mã khách đặt. Tuy nhiên, phải chờ khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi mới có thể gửi cho khách. Tôi hy vọng, từ các sản phẩm được bán và giới thiệu qua các kênh thông tin, sẽ có nhiều hơn các đơn hàng, giúp bà con quê tôi có thêm thu nhập và công việc ổn định, cải thiện đời sống”.

Kỳ vọng khôi phục nghề truyền thống

Theo bà Ka Điều, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, không chỉ trong mùa dịch Covid-19 mà vài năm trở lại đây các chị em trong ấp vừa dệt vừa cố gắng truyền dạy nghề đan lát, dệt vải cho con gái, con dâu. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích học và có niềm đam mê với nghề, nhất là trong thời buổi cái gì cũng có sẵn, các sản phẩm thổ cẩm được sản xuất bằng công nghệ hiện đại thì việc gìn giữ và phát triển nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Ka Tuyền học dệt vải thổ cẩm của đồng bào Mạ. Ảnh: QUỐC HƯNG

“Hơn 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 4, tôi không nhớ bao nhiêu lần đi tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong ấp nối tiếp nghề truyền thống của dân tộc mình. Nghề truyền thống của đồng bào Mạ, S’tiêng ở Tà Lài mang lại thu nhập không cao nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày không xa, nó sẽ khởi sắc. Tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi khi có đơn hàng giúp các gia đình trong ấp vừa có thêm thu nhập vừa gìn giữ vốn quý của dân tộc mình”- bà Ka Điều chia sẻ.

Nhằm khôi phục nghề truyền thống, tại ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán, đồng bào Mường đã thành lập tổ hợp tác nấu rượu cần mang thương hiệu Rượu cần Tân Lập với hy vọng làng nghề sẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Tổ trưởng tổ hợp tác Rượu cần Tân Lập Quách Thị Hồng Nguyệt cho hay, hiện nay tổ có 16 thành viên. Trong mùa dịch này hoạt động sản xuất rượu cần của tổ đang tạm dừng do các đơn hàng ít và việc vận chuyển khó khăn.

Mặc dù gặp khó khăn song bà Nguyệt cũng không giấu niềm vui mà khoe rằng, trước khi dịch bùng phát rượu cần do tổ hợp tác sản xuất luôn được thực khách ưa chuộng, rượu làm ra tới đâu đều được tiêu thụ hết tới đó, nhất là các dịp lễ, Tết. Bà Nguyệt kỳ vọng và mong muốn sau đại dịch này, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, giới thiệu khách du lịch đến với làng văn hóa Mường Tân Lập để làng nghề nấu rượu truyền thống của đồng bào phát triển hơn.

Có thời gian nghiên cứu sâu văn hóa các dân tộc, Ths Phan Đình Dũng, giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay đã và đang được các cấp được chính quyền quan tâm. Nhiều địa phương đã xác định đây là những nghề mà sản phẩm mang lại có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. Việc khôi phục các nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bà con mà quan trọng còn là lưu giữ được văn hóa, truyền thống trong cộng đồng.

(qdnd.vn)