Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số: Thực trạng và giải pháp

02:45 PM 22/08/2021 |   Lượt xem: 5112 |   In bài viết | 

Một buổi truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh DTTS về giảm hủ tục trong hôn nhân ở tỉnh Cao Bằng (ảnh tư liệu).

Theo kết quả Tổng điều tra thực trạng KT-XH của 53 DTTS, tổng dân số người DTTS nước ta là 14,1 triệu người, gần 3 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước); cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 của 53 DTTS là 1,42%, cao hơn tỷ lệ tăng bình quân của dân tộc Kinh (1,09%) và tỷ lệ tăng bình quân của cả nước (1,14%). Trong tổng số 14,1 triệu người DTTS, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới, tương ứng là 50,1% so với 49,9%.

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” (Đề án 498).

Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo và giao Ban Dân tộc là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tham mưu giúp UBND tỉnh/thành phố ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2020, 2021-2025, kế hoạch từng năm và các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện.

Sự vào cuộc chủ động của Ủy ban Dân tộc và các địa phương

Sau năm 5 thực hiện Đề án (từ 2015-2020), Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng phát sóng 3 Clip/trailer cổ động tuyên truyền trên các kênh VTV1, VTV2, VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình của 15 địa phương vùng DTTS và miền núi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; Thực hiện 03 tọa đàm trên VTV1, 02 tọa đàm trên đài truyền hình tỉnh Hà Giang và Gia Lai, cùng nhiều phóng sự chuyên đề để phát sóng trên các đài Trung ương và địa phương; Xây dựng 02 tiểu phẩm; Phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam xây dựng và phát 13 chương trình và dịch 05 bài sang 12 tiếng DTTS (Mông, Dao, Thái, Ê Đê, Gia-rai, Ba Na, Cơ ho, Chăm, Khmer, Mnông, Xê Đăng, Cơ tu) phát trên sóng Hệ Phát thanh Dân tộc (VOV4) và đăng tải trên báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tổ chức biên soạn, in ấn một số tài liệu truyền thông bằng tiếng Việt và một số tiếng DTTS như: Sổ tay Hỏi - Đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình, Sổ tay Tuyên truyền viên cơ sở, Sổ tay Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; pa nô, tờ rơi, tờ gấp, in đĩa. Tổ chức 20 cuộc tập huấn, 01 đoàn thăm quan học tập...

Từ năm 2015, Cơ quan công tác dân tộc các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuyên truyền như: Tổ chức 7.245 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông cho 478.298 người (các thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp xã; Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, người có uy tín); Tổ chức 120.774 hoạt động truyền thông, với 4.070.148 người tham gia; Thiết kế, lắp đặt 2.704.757 pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp... để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Triển khai xây dựng các mô hình điểm và mô hình can thiệp ở các địa phương với các chủ đề như: tổ phụ nữ không có con tảo hôn, câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... các địa phương đã xây dựng, duy trì và nhân rộng với 2.892 mô hình điểm tại 3.481 xã, thôn, bản, buôn; tổ chức 211.805 cuộc tư vấn, tuyên truyền cho 494.838 lượt người. Tổ chức ký cam kết không kết hôn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm. Các câu lạc bộ mô hình này hoạt động tương đối hiệu quả, nhiều cặp tảo hôn được can thiệp kịp thời, được tuyên truyền phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình và tác hại của việc tảo hôn, làm cho giới trẻ nhận thức đúng đán hơn và có trách nhiệm trong hôn nhân gia đình.

Các địa phương đã tổ chức được 7.245 lớp tập huấn cho 478.298 lượt người tham gia. Đây là đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Đề án tại cơ sở từ Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, cán bộ văn phòng, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Trưởng, Phó Phòng Dân tộc và các phòng chuyên môn của cấp huyện. Nội dung tập huấn về các kiến thức tổng quan của Đề án; hệ lụy, tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân & gia đình; Luật Bình đẳng giới; vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Các kết quả đáng ghi nhận của việc triển khai thực hiện Đề án

Sau năm 5 thực hiện Đề án (từ 2015-2020), tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS có xu hướng giảm dần. Kết quả Điều tra về thực trạng KT-XH của 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ người DTTS tảo hôn năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014 (26,6%) (tương ứng với mức giảm trung bình xấp xỉ 1%/năm). Tuy nhiên, nếu so sánh với mục tiêu của Đề án 498 là giảm 2 đến 3%/năm thì kết quả thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 chưa đạt. Tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ. Tình trạng tảo hôn của người DTTS năm 2018 đã có sự cải thiện so với năm 2014, tuy nhiên tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Trong 6 vùng KT-XH, Tây Nguyên vẫn tiếp tục có tỷ lệ tảo hôn cao nhất năm 2018 là 27,5% (giảm 2,1% so với năm 2014); tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% (giảm 5,1% so với năm 2014) và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 22,4% (giảm 3,2% so với năm 2014). Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%), là vùng có tỷ lệ người DTTS tảo hôn thấp nhất cả nước năm 2018 (7,8%).

Tỷ lệ tảo hôn của người DTTS theo giới tính và vùng KT-XH năm 2018 (nguồn: Điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2019).

Theo dân tộc, tỷ lệ tảo hôn cao nhất là Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%). Theo giới tính, tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS năm 2018 vẫn cao hơn so nam DTTS (năm 2018: nam 20,1% và nữ 23,5%). So với năm 2014, tỷ lệ tảo hôn của nam DTTS đã giảm được 5,9%, cao hơn so với mức giảm tương ứng của nữ DTTS là 3,6% (năm 2014: nam 26,0% và nữ 27,1%). Tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS luôn cao hơn nam ở tất cả các vùng, ngoại trừ Đồng bằng sông Hồng.

Tỷ lệ kết hôn cận huyết trong vùng DTTS có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%, giảm 0,9% so với năm 2014 (6,5%). Theo giới tính, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống năm 2018 của nam DTTS là 5,29%, giảm 1,26% so với năm 2014 là 6,55%; và tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của nữ DTTS năm 2018 là 5,87%, giảm 0,5% so với năm 2014 là 6,37%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất năm 2018 gồm Mnông 37,7%, (nam 40,57% và nữ 35,38%), La Chí 30,8% (nam 27,43% và nữ 33,64%), Bru Vân Kiều 28,6% (nam 28,81% và nữ 28,41%), Cơ Tu 28,0% (nam 10,92% và nữ 43,21%) và Lô Lô 22,4% (nam 25,41% và nữ 20,02%).

Tình trạng kết hôn cận huyết thống của người DTTS đã giảm nhưng vẫn tăng cao ở một số dân tộc. Một số DTTS có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao năm 2014, đến năm 2018 đã không còn tình trạng này như Mạ, Mảng, Cơ Ho, Kháng, Chứt. Tuy nhiên, năm 2018 cũng ghi nhận sự gia tăng của tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở một số DTTS như: La Chí (tăng từ 10,1% năm 2014 lên 30,8% năm 2018), Bru Vân Kiều (tăng từ 14,3% năm 2014 lên 28,6% năm 2018), Lô Lô (tăng từ 8,3% năm 2014 lên 22,4% năm 2018), Gia Rai (tăng từ 9,1% năm 2014 lên 14,6% năm 2018) và La Ha (tăng từ 7,6% năm 2014 lên 11,0% năm 2018).

Thông qua các hoạt động của Đề án, đồng bào DTTS được tuyên truyền sâu rộng hơn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, dân số và kế hoạch hóa gia đình... Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ, dòng tộc tự giác chấp hành và thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cũng thực hiện tốt chính sách, pháp luật; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các bậc cha mẹ, học sinh cấp THCS trở lên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và các thanh thiếu niên trong cộng đồng. Chính vì vậy, trình độ dân trí và ý thức của người dân được cải thiện, nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, một số phong tục tập quán gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tiến tới được xóa bỏ.

Việc thành lập và triển khai thực hiện mô hình điểm ở địa phương đối với một số DTTS ở khu vực miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, nơi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền phổ biến, vận động đồng bào thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các tổ tư vấn, can thiệp và mô hình điểm đã giúp đồng bào DTTS nói chung và người dân trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm được cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình; có nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với cá nhân, gia đình và xã hội; từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương.

Mặc dù tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống không cao như tảo hôn nhưng hậu quả lại rất nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng dân số, mắc các bệnh phổ biến như dị tật, tan máu bẩm sinh. Những hệ lụy này, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống hạnh phúc gia đình và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói trong đồng bào DTTS.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Ngày 18/02/2021, Ủy ban Dân tộc ra Quyết định số 98/QĐ-UBDT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II). Kế hoạch xác định các hoạt động trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó có các hoạt động chủ yếu như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường trung học cơ sở, phổ thông trung học và các trường dân tộc nội trú để tuyên truyền sâu rộng về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội tại cộng đồng.

Biên soạn, phát hành tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nội dung các tài liệu tuyên truyền liên quan đến quy định của pháp luật, tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giới thiệu về những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong hôn nhân và những tập tục có hại trong hôn nhân cần vận động xóa bỏ. Ngoài ra, cần biên soạn sổ tay, tài liệu cung cấp thông tin, kiến thức về hôn nhân và gia đình, như: Tư vấn và khám sức khỏe cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi.

Triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại địa phương

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại địa phương tham gia thực hiện Đề án. Hỗ trợ, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông liên quan về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời tổ chức thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại địa phương.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đề xuất, lựa chọn cách thức tổ chức triển khai các hoạt động có yếu tố đặc thù riêng phù hợp với tập quán văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc.

Để bảo đảm đạt được mục tiêu chung của Đề án 498 là “Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” và mục tiêu cụ thể: Giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS vào năm 2025... cần chú trọng vào các nội dung như:

Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/ 6 /2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về  ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, trong đó có mục tiêu hạn chế tiến tới xóa bỏ các thủ tục như tảo hôn, kết hôn và hôn nhân ép buộc, chỉ tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Tiếp tục nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn về tình hình, nguyên nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở từng cộng đồng, từng nhóm dân tộc, từng địa phương, làm căn cứ cho đề xuất các kế hoạch, giải pháp, ứng phó phù hợp. Áp dụng cách tiếp cận đa chiều, toàn diện để xây dựng một chiến lược can thiệp tổng thể và bền vững đối với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS. Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng của phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định trong hộ gia đình và ở cộng đồng.

Vận động, thu hút sự quan tâm, ủng hộ, tham gia, phối phợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền địa phương và cơ quan, ban, ngành, đoàn thể về công tác phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS nói chung và phổ biến tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình; thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân tộc trong đó đặc biệt quan tâm công tác phổ biến, giáo dục, y tế, pháp luật giáo dục kỹ năng sống đối với đối tượng là thanh niên, học sinh. Lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý với hoạt động tuyên truyền về pháp luật hôn nhân và gia đình, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hoạt động tìm hiểu pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật, tăng cường các hoạt động phổ biến, tuyên truyền phù hợp, qua đó phát hiện dấu hiệu của tội phạm để xử lý, truy tố, răn đe, giáo dục thí điểm đối với một số đối tượng có hành vi dụ dỗ, giao cấu, kết hôn với trẻ em chưa đến tuổi vị thành niên theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Lựa chọn phương pháp và biên soạn tài liệu đơn giản, dễ hiểu, trọng tâm. Hình thức tuyên truyền phải gắn với những tình huống phát sinh trong đời sống hằng ngày, phù hợp với tập quán, văn hóa của từng dân tộc, từng cộng đồng, địa phương. Nâng cao vai trò của bộ đội biên phòng, các hội, đoàn thể, già làng, người có uy tín, trưởng thôn, chức sắc, chức việc, vùng đồng bào DTTS thực hiện công tác dân số và giáo dục giới tính. Phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là báo cáo viên pháp luật am hiểu văn hóa, tập quán, tâm lý và biết tiếng DTTS, có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân, gia đình, trẻ em và dân số kế hoạch hóa gia đình.

Chú trọng triển khai nhân rộng mới mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” cho các đối tượng học sinh THCS và THPT, thanh niên, vị thành niên là người DTTS chưa kết hôn, đã kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS. Tăng cường giáo dục trong các nhà trường về hậu quả, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thường xuyên tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường PTCS, PTTH & các trường Dân tộc nội trú.

Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Đề án, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, triển khai các hoạt động Đề án đạt kết quả, hiệu quả. Đẩy mạnh huy động các nguồn kinh phí từ trung ương và địa phương, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động của Đề án 498 giai đoạn 2021-2025…

Cao Cường