Bắc Kạn: Nhiều giải pháp đột phá góp phần triển khai thành công Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”

02:00 PM 22/08/2021 |   Lượt xem: 1865 |   In bài viết | 

Một số đại biểu có nhiều đóng góp cho sự thành công cho công tác triển khai Đề án OCOP của tỉnh Bắc Kạn.

Là một trong bốn chương trình trọng tâm toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đề án OCOP đã được Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ. UBND tỉnh đã ban hành 19 Quyết định, 03 Kế hoạch và nhiều văn bản để chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Cùng với đó, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới - cơ quan thường trực Đề án, các cơ quan truyền thông của tỉnh tập trung xây dựng các chuyên mục, bài, phóng sự về chương trình, tập trung tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, nội dung Đề án OCOP. Đồng thời, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tuyên truyền về Đề án OCOP trên các website của các đơn vị, tại các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã; các cuộc họp, hội nghị của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp... nhằm vận động các hội viên và nhân dân, cộng đồng tham gia.

Nhiều phóng sự tuyên truyền, video-clip, các buổi nói chuyện, các hội nghị chuyên đề như: Hội nghị để khởi động Đề án; Giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu của các huyện, thành phố; Hội nghị “Thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp từ Đề án OCOP”; Hội nghị cho phụ nữ tham gia khởi nghiệp OCOP... cùng nhiều tài liệu tuyên truyền đã được các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xây dựng và triển khai, với sự tham gia của hàng trăm ngàn lượt hội viên và người dân tham dự. Các hoạt động tuyên truyền của các đơn vị, địa phương đã góp phần rất lớn vào kết quả, thành công của Đề án trong thời gian vừa qua.

Từ các buổi nói chuyện, hội nghị chuyên đề, đã có 255 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Đề án, trong đó: năm 2018 có 76 sản phẩm; năm 2019 có 102 sản phẩm; năm 2020 có 77 sản phẩm. Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tổ chức tập huấn cho đại diện các chủ thể được 8 lớp với 524 lượt người với các nội dung về xây dựng “Phương án kinh doanh”, “Phát triển kinh tế cộng đồng”, “Phát triển sản phẩm”, xây dựng câu chuyện sản phẩm… nhằm nâng cao năng lực cho các chủ thể trong quá trình tham gia Đề án OCOP. Nhiều hội nghị chuyên đề cũng được đồng loạt triển khai về các nội dung như: an toàn thực phẩm nông, lâm sản; thực hành nông nghiệp tốt VietGap và hữu cơ; cấp giấy chứng nhận VietGap; quản lý và công bố thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm hàng hóa, đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ, chỉ đẫn địa lý đăng ký mã số, mã vạch, phát triển sản phẩm và tham gia xúc tiến thương mại... Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các đơn vị trong tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 6.844 lao động nông thôn, trong đó có nhiều lao động là thành viên các Hợp tác xã, tổ hợp tác… tham gia Đề án OCOP. Sau khi được đào tạo lao động nông thôn đã nâng cao kỹ năng áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Một số sản phẩm tiêu biểu trưng bày tại Hội nghị tổng kết Đề án OCOP của tỉnh Bắc Kạn.

Để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, năm 2018, Bắc Kạn là tỉnh thứ hai trên toàn quốc ban hành bộ tiêu chí tạm thời đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Đề án “ Mỗi xã, phường một sản phẩm”, trước khi Bộ tiêu chí OCOP quốc gia được ban hành. Các hoạt động xúc tiến thương mại như quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, thương mại điện tử, tổ chức hội chợ, triển lãm cũng được tỉnh đặc biệt coi trọng. Ngoài ra, công tác tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn gắn với các hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết với các đối tác để thiết lập các đại lý, kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm... đã giúp nâng cao năng lực, nhận thức trong quá trình tổ chức sản xuất, xúc tiến bán hàng, hoàn thiện mẫu mã sản phẩm cũng như tạo điều kiện để sản phẩm OCOP của tỉnh gia nhập hệ thống phân phối lớn, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Đến hết năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã có 76 chủ thể tham gia Đề án OCOP có sản phẩm OCOP được công nhận gồm 12 cơ sở sản xuất/hộ gia đình, 03 Tổ hợp tác, 04 doanh nghiệp và 57 Hợp tác xã. Toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó 13 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao (02 sản phẩm 4 sao hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP Quốc gia đó là Miến dong Tài Hoan và Nano Curcumin Bắc Hà). Trong đó, 20 sản phẩm tham gia Đề án OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị; 03 sản phẩm được cấp chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGap; 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP; 4 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu; 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; 7 sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể…

Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển thêm các sản phẩm tham gia OCOP. Đặc biệt là xây dựng nhiều mô hình OCOP tại các vùng khó khăn, vùng DTTS&MN. Trong đó, chú trọng các sản phẩm mang đặc trưng văn hóa địa phương. Những sản phẩm thuộc Đề án OCOP vùng đồng bào DTTS&MN đang dần khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ sản phẩm OCOP Việt Nam. Kết quả này xuất phát từ nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá, đặc biệt trong công tác truyền thông. Giúp các hộ nông dân vùng DTTS&MN liên kết, xây dựng hợp tác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới; đồng thời, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào DTTS. 

Thanh Hải