Bát Xát Lào Cai chung tay đẩy lùi tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số
11:28 PM 18/09/2021 | Lượt xem: 2044 In bài viết |Thực trạng tảo hôn ở huyện Bát Xát vẫn đang tồn tại, nhất là tại các xã vùng cao có đa số người dân tộc H’mông sinh sống. Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện đã chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đưa các chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân gia đình và quyền trẻ em đến tận cơ sở bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân đặc biệt là vùng sâu, vùng xa cùng chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn.
Năm 2020, toàn huyện Bát Xát có 97 trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng, tập trung ở các xã Dền Thàng, Trung Lèng Hồ, A Mú Sung, Sàng Ma Sáo, Nậm Chạc, Cốc Mỳ, Pa Cheo, Mường Vi, đều là con em đồng bào dân tộc H’Mông, các cấp ủy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã tuyên truyền, vận động, ngăn chặn được 70 trường hợp có ý định chung sống với nhau như vợ chồng. Không có hôn nhân cận huyết thống. Tính từ đầu năm 2021 đến nay toàn huyện có 36 trường hợp chung sống, có ý định chung sống với nhau như vợ chồng. Nhờ sự vào cuộc của ấp ủy chính quyền, các ngành đoàn thể quyết liệt tuyên truyền, thuyết phục, răn đe,… đã kịp thời ngăn chặn được 29 trường hợp, còn 07 trường hợp chưa vận động được, vẫn lén lút qua lại, đưa nhau đi khỏi địa phương. Được biết việc kết hôn khi chưa đủ tuổi được thực hiện theo phong tục tập quán lạc hậu; một số gia đình coi việc lấy vợ, lấy chồng của con cái là để trong nhà có thêm lao động trồng cấy nên đa số các ông bố, bà mẹ trong gia đình ít quan tâm hoặc quan tâm chưa đầy đủ đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào tuổi vị thành niên; bản thân các em tuổi vị thành niên thiếu kiến thức về pháp luật, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản; biện pháp xử lý các trường hợp tảo hôn của chính quyền địa phương chưa đủ mạnh, còn thiếu kiên quyết.
Trao đổi với chúng tôi đồng chí Ma Seo Củi chủ tịch UBND xã A Mú Sung cho biết: Đầu năm 2021 trên địa bàn xã A Mú Sung có 02 cặp sống chung với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Xã đã chỉ đạo thôn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể xuống tận gia đình gặp các em để tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình, những hệ lụy xã hội khi tảo hôn, việc học tập và lao động của các gia đình. Sau khi lắng nghe và thấu hiểu em gái đã tự về nhà bố mẹ, vẫn còn 1 trường hợp tảo hôn do 2 gia đình ở gần, thường xuyên qua lại nên chưa chấm dứt hẳn được tình trạng này. Trong thời gian tới xã A Mú Sung sẽ làm tốt công tác phối hợp với MTTQ và các đoàn thể đẩy manh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái về những hệ lụy do tảo hôn đưa đến như cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ thấp hơn người trưởng thành, những đứa trẻ được sinh ra khi bố mẹ chúng chưa đủ trưởng thành sẽ không khỏe mạnh bằng những đứa trẻ bình thường khác, tảo hôn làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, … để từ đó nâng cao nhận thức của Nhân dân góp phần đẩy lùi tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, UBND huyện Bát Xát đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quyền trẻ em cũng như công tác giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu sâu, rõ và chính xác hơn các chính sách, pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức trong CSSKSS/DSKHHGĐ, sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn, nói chuyện chuyên đề cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh để nâng cao nhận thức về CSSKSS. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện Bát Xát đã tổ chức lồng gắn với Hội ghị, họp thôn, sinh hoạt Đảng, đoàn thể, các buổi sinh hoạt ngoại khóa của các nhà trường,… được gần 450 hội nghị tuyên truyền với trên 25.000 lượt người tham gia; Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã bằng tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Dao, in và cấp phát 390 áp phích, 600 tờ rơi, 310 cuốn sổ tay tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các xã, thị trấn, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện.
Chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT THCS Trịnh Tường, năm học 2021 – 2022 này nhà trường có 516 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 trong đó có 355 em học sinh ở bán trú tại trường, với trên 70% là học sinh dân tộc thiểu số, các em đang ở độ tuổi nhạy cảm về phát triển tâm sinh lý, do vậy công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nhà trường hết sức chú trọng. Thầy giáo Phạm Văn Học hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường đã lồng ghép vào các môn học chính khóa, sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ, vui chơi thể thao, cung cấp thông tin các vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những tập tục lạc hậu còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và các giải pháp nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa tình trạng này. Nhờ làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền, nhiều năm trở lại đây nhà trường không có trường hợp học sinh nào tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt trên 90%”.
Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể tình trạng tảo hôn ở huyện Bát Xát có xu hướng giảm dần qua các năm, đặc biệt là không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Các xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc H’mong chiếm đa số như: Sảng Ma Sáo, Dền Thàng, Trung Lèng Hồ. Trịnh Tường, A Mú Sung, Nậm Chạc, … đã từng bước đẩy lùi được tình trạng tảo hôn.
Đồng chí Sùng Hồng Mai Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bát Xát, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai tốt Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để nâng cao nhận thức của Nhân dân, cùng với đó là đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, xác định tuyên truyền miệng là hình thức quan trọng và hiệu quả nhất. Đồng thời huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy vai trò của Đài truyền thanh các xã trong công tác tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng địa phương, cùng với đó là tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm tạo điều kiện cho các đối tượng đã tốt nghiệp THCS không đi học tiếp lên THPT có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống; chú trọng hơn nữa đế việc giáo dục giới tính trong trường học, tăng cường sự phối hợp giữa các nhà trường và các bậc cha mẹ học sinh để quản lý tốt việc học tập, sinh hoạt vui chơi của con em đồng bào từ đó phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời ngay khi có dấu hiệu tảo hôn. Cùng với đó là phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong tổ chức các diễn đàn nói không với tảo hôn, các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, cung cấp dịch vụ CSSKSS vị thành niên, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng, cùng với Ban tuyên vận xã, tổ tuyên vận thôn, bản tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật hôn nhân gia đình. Song song với đó huyện Bát Xát cũng sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình điểm tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã còn tỷ lệ tảo hôn cao; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật hôn nhân gia đình, những hệ lụy xã hội khi để xảy ra tình trạng tảo hôn… Từ đó nâng cao nhận thức của Nhân dân góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn, nâng cao chất lượng dân số./.
(laocai.gov.vn)