Cà Mau: Nâng cao vai trò người có uy tín, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

10:25 PM 23/09/2021 |   Lượt xem: 1603 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải chủ trì buổi gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau.

Cà Mau có có 65 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS được phân định theo 03 khu vực, bao gồm: 27 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I; 29 xã thuộc khu vực II, với 67 ấp đặc biệt khó khăn và 09 xã thuộc khu vực III, với 60 ấp đặc biệt khó khăn. Dân số của tỉnh có khoảng 1.194.476 người; trong đó có 32 DTTS với khoảng 11.657 hộ, 33.624 người.

Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng nhưng luôn gắn kết, hòa quyện với nhau để tạo nên sự đa dạng, phong phú nền văn hóa của tỉnh Cà Mau. Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Cà Mau chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và đa phần là tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer; thường có tập quán sinh sống theo “Chùa chiền, phum, sóc”. Hiện nay, trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có 07 Chùa Nam tông, với khoảng 25.100 phật tử; có 10 Salatel là nơi để đồng bào Khmer tập trung tổ chức các nghi lễ truyền thống và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cộng đồng dân tộc Hoa của tỉnh phần đông sinh sống ở thành thị và các khu đông dân cư; nghề nghiệp chủ yếu là kinh doanh thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đồng bào dân tộc Hoa đa phần là tín đồ Phật giáo Hoa tông. Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 ngôi Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Hoa tông, với khoảng 2.100 phật tử; ngoài ra còn có 12 Miếu thờ, Điện thờ và 03 Phủ thờ dòng họ; các cơ sở thờ tự này đều gắn liền với sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống và tín ngưỡng dân gian của đồng bào Hoa. Năm 2021, tỉnh Cà Mau có 75 người có uy tín (69 nam, 06 nữ), trong đó, dân tộc Khmer có 53 người, dân tộc Hoa 10 người, dân tộc Kinh 12 người.

Thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ người có uy tín

Trong giai đoạn năm 2012 - 2021, người có uy tín của tỉnh Cà Mau được cấp uỷ, chính quyền địa phương mời tham dự các cuộc phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư tại địa phương: các buổi hội nghị, họp dân để tuyên truyền, cung cấp thông tin thời sự về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể: Tổ chức 93 hội nghị cho 862 lượt người tham dự để phổ biến, cung cấp thông tin cấp tỉnh, huyện, thành phố Cà Mau; Tổ chức 85 cuộc tập huấn, bồi dưỡng và cung cấp thông tin cho 1.174 lượt người tham dự. Người có uy tín được cấp miễn phí các loại báo như: Báo Dân tộc - Phát triển; Chuyên trang “Dân tộc thiểu số và miền núi” trên Báo Nhân Dân; Chuyên đề “Đoàn kết và Phát triển” Tạp chí Cộng sản, Báo ảnh Đất Mũi song ngữ Việt - Khmer...

Ban Dân tộc tỉnh tổ chức đưa 12 Đoàn NCUT; Phòng Dân tộc thành phố Cà Mau và phòng Dân tộc huyện Đầm Dơi tổ chức đưa 04 Đoàn với tổng số 361 lượt người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, phòng Dân tộc thành phố Cà Mau và phòng Dân tộc các huyện còn tổ chức 23 cuộc cho 170 lượt người có uy tín trong huyện, thành phố giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Các cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho NCUT nhân dịp tết Nguyên đán cho 1.098 lượt người; thăm hỏi, tặng quà cho NCUT nhân dịp Tết của đồng bào Khmer, đồng bào Hoa cho 1.147 lượt người.  Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ NCUT ốm đau là 168 lượt, hỗ trợ gia đình NCUT gặp khó khăn là 18 lượt. Bình chọn các cá nhân có thành tích xuất sắc, đề nghị khen thưởng cho 219 lượt người, trong đó có 10 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Hỗ trợ chi phí cho NCUT trong quá trình đi cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2017 - 2021 là: 271,8 triệu đồng.

Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc cho NCUT; nhằm bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng tuyên truyền miệng cho NCUT. NCUT vừa là cầu nối thông tin và cũng là nơi tiếp nhận thông tin phản hồi kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS với chính quyền các cấp. Thông qua các hoạt động, NCUT đã đóng góp một phần hết sức quan trọng vào việc tuyên truyền, hòa giải, giải thích để đồng bào DTTS nhận thức đúng chủ trương và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tự nguyện tham gia thực hiện các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng nông thôn mới... NCUT tích cực đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong công tác bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật của đồng bảo DTTS, NCUT đã vận động các vị cao niên duy trì mở lớp dạy chữ Hoa, chữ Khmer cho con em đồng bào DTTS, nhằm giữ gìn và bảo tổn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình...

Tấm gương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào

Hòa thượng Thạch Hà, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng ban Trường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Hội Trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh; Trụ trì Chùa Monivongsa, phường 1, thành phố Cà Mau. Ông là đại biểu Hội đồng nhân dân và có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp Luật của Nhà nước; vận động, hỗ trợ tích cực cho hộ đồng bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống. Thời gian qua, ông được tặng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

Ông Hà Văn Muôn, Trưởng ban Quản trị Chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Ông có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia công tác hòa giải tại địa phương; vận động con em đồng bào dân tộc tham gia học tập, nhằm giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen.

Ông Danh Hồng Hiệp là NCUT ở ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ông là chủ doanh nghiệp cơ giới và kinh doanh, đã tạo việc làm ổn định cho 06 công nhân. Bên cạnh đó, ông giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho một số hộ nghèo cùng địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho nhiều bà con dân tộc trong lao động sản xuất, phấn đấu vươn lên thoát nghèo...

Một số giải pháp và kiến nghị

Để triển khai hiệu quả chính sách cho đội ngũ NCUT, thời gian tới, Ban Dân tộc cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn. Nắm chắc tình hình vùng đồng bào DTTS để kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc phát sinh trong vùng đồng bào dân tộc. Tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương, chính sách. Phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền cho các tuyên truyền viên, trong đó có đội ngũ NCUT tham dự.

Tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Trung ương xem xét và bổ sung thêm kinh phí cho đội ngũ NCUT có điều kiện tham gia các hoạt động tại địa phương; mua bảo hiểm y tế cho NCUT trong đồng bào DTTS không thuộc thành phần cán bộ, gia đình chính sách, gia đình có công. Đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho NCUT, sổ tay hướng dẫn cho NCUT nhằm phục vụ tốt hơn công tác truyền thông, tuyên truyền và vận động...

Thanh Hải