Cần có những sửa đổi, bổ sung như thế nào trong Nghị định về công tác dân tộc trong giai đoạn tới?

10:35 AM 15/10/2021 |   Lượt xem: 2037 |   In bài viết | 

CÂU HỎI

Để tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc (CSDT) thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, đề nghị Chính phủ cần phải rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc thay thế Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo đó thực hiện rà soát các chính sách đang triển khai thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Phân loại từng nhóm chính sách thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành được giao tại Nghi định, đưa ra khỏi nghị định những chính sách thực hiện hiệu quả không cao, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. (Ý kiến của các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước).

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc (gọi tắt là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP) là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, quan trọng nhất trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, quy định phạm vi chính sách rộng và công tác quản lý Nhà nước về dân tộc. Nghị định ra đời đã tạo khuôn khổ pháp luật để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc với 13 lĩnh vực gồm: (1) Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; (2) Chính sách đầu tư phát triển bền vững; (3) Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; (4) Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; (5) Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; (6) Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; (7) Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số; (8) Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số; (9) Chính sách y tế, dân số; (10) Chính sách thông tin - truyền thông; (11) Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; (12) Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái; (13) Chính sách quốc phòng, an ninh.

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nguyện vọng của nhân dân trong thời gian qua. Trong 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo tồn văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng-an ninh, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ban hành Chương trình hành động để thực hiện; ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, phê duyệt nhiều đề án, chương trình, chính sách dân tộc, đã có nhiều chương trình chính sách đầu tư về vùng DTTS&MN được ban hành như: Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015, làm cơ sở để thực hiện chính sách dân tộc... Qua đó, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS&MN, nhất là địa bàn có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực; cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, hoàn thiện, đặc biệt là các công trình như: đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh, điện, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học...ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH ở vùng DTTS &MN.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP vào năm 2016. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã Kết luận tại Thông báo số 440/TB-VPCP ngày 28/12/2016 của Văn phòng Chính phủ: giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức nghiên cứu toàn diện, làm rõ về sự cần thiết, mục đích, quan điểm xây dựng, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung và các vấn đề khác có liên quan đến Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN, trong năm 2017, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương xây dựng ban hành Luật hỗ trợ (để nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc). Tuy nhiên, hiện nay Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN chưa được xây dựng, ban hành (đang tiếp tục nghiên cứu).

Trên cơ sở của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, trong giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Ðề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030 trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Ðề án, là khung pháp lý cho công tác dân tộc, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN và ban hành báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020 của Ủy ban Dân tộc.

Từ báo cáo kết quả rà soát của Ủy ban Dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến kết luận tại Công văn số 10084/VPCP-QHĐP ngày 02/12/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó có nội dung giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Bộ chính trị tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Ðây là lần đầu tiên lĩnh vực công tác dân tộc có một Chương trình mục tiêu quốc gia, là giải pháp quan trọng mang tính đột phá nhằm tập trung nguồn lực phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Chương trình đặt ra nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Sự kiện này là mốc son trong lịch sử công tác dân tộc, được cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS đón nhận như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt đột phá trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước...

Trong năm 2020-2021, Ủy ban Dân tộc đã phê duyệt và tổ chức thực hiện dựa án điều tra, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP để đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả triển khai thực hiện, làm căn cứ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2011/NĐ-CP theo ý kiến Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Công văn số 10084/VPCP-QHĐP ngày 01/12/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Ủy ban Dân tộc dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP trong năm 2022 (theo Quyết định số 378/QĐ-UBDT ngày 11/6/2021 về việc ban hành chương trình hành động của Ủy ban Dân tộc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam).

Cao Cường