Công tác đào tạo, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
08:09 AM 15/09/2021 | Lượt xem: 2772 In bài viết |CÂU HỎI
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi những năm qua có những kết quả nổi bật nào?
TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO
Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS vùng đồng bào DTTS&MN luôn là chủ trương lớn mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2016, cả nước có 68.781 người DTTS làm việc trong hệ thống chính trị, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước. Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu là người DTTS (chiếm 17,4% tổng số đại biểu Quốc hội), cao hơn 08 người (gần 2%) so với Quốc hội khóa XIII và cao hơn tỷ lệ dân số DTTS. Tỷ lệ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng người DTTS khóa XI là 8,75%, khóa XII là 8,5%, thấp hơn tỷ lệ dân số DTTS. Hiện nay, 11/53 DTTS có Ủy viên Trung ương Khóa XII, 38/53 DTTS có đại biểu Quốc hội Khóa XIV. Từ Khóa I - Khóa XIV đã có 49/53 DTTS có đại biểu Quốc hội.
Năm 2018, có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 14,53% (nữ giới chiếm 49,2%). Trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 10.398 người (chiếm 17,2%). Tỷ lệ cán bộ DTTS là đại biểu Hội đồng nhân dân có xu hướng giảm, nhiệm kỳ 2004-2009 cấp tỉnh là 20,23%, cấp huyện là 20,18%, cấp xã là 24,4%; nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh 16,91%, cấp huyện 18,29%, cấp xã 22,14%.
Về cơ bản, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng người DTTS đã được cấp uỷ, chính quyền quan tâm, từng bước khắc phục tình trạng hụt hẫng nguồn cán bộ DTTS. Đội ngũ cán bộ dần được trẻ hoá, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc, số cán bộ lãnh đạo quản lý tăng, một số là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền chủ động xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ là người DTTS; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nữ, trẻ tuổi, cán bộ cơ sở. Đến hết năm 2018, đã có 50.969 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; 22.229 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và 10.516 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học văn phòng. Công chức, viên chức người DTTS được ưu tiên trong quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm vào hệ thống cơ quan nhà nước.
Thực hiện Đề án tăng cường cán bộ về cơ sở, đã có 580 tri thức trẻ được bố trí làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã tại các xã thuộc 62 huyện nghèo của cả nước.
Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc những năm qua có nhiều biến động. Ở Trung ương, năm 2008, Ủy ban Dân tộc và Miền núi đổi tên thành Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, hiện Ủy ban có 16 vụ, đơn vị hành chính, 05 đơn vị sự nghiệp với tổng số 424 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 109 người DTTS, chiếm 25,6%, hầu hết có trình độ đại học và trên đại học. Ở cấp tỉnh có 47 Ban Dân tộc, Ban Dân tộc và Tôn giáo và 05 Phòng Dân tộc trực thuộc UBND tỉnh. Tổng số cán bộ, công chức trong cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện năm 2018 là 1.861 người, trong đó có 863 người là DTTS, chiếm 46,4%, tăng 8,65% so với năm 2016.
Nhìn chung, cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là cán bộ các ngành khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển gặp nhiều khó khăn; hệ thống chính trị cơ sở ở một số vùng đồng bào DTTS còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm; hầu hết bộ, ngành và địa phương (nhất là cấp tỉnh) chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân tộc ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Ở Trung ương, nhiều bộ, ngành, đoàn thể chưa bố trí đơn vị, cán bộ chuyên trách theo dõi công tác dân tộc; tổ chức bộ máy, cán bộ của Ủy ban Dân tộc chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Ở một số địa phương, bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc còn thiếu ổn định, chưa được quan tâm củng cố, kiện toàn. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, một số địa phương đã rà soát, sắp xếp lại bộ máy làm công tác dân tộc theo hướng sát nhập cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, giải thể phòng Dân tộc cấp huyện đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện quản lý nhà nước.
Cao Cường