Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chính trị

09:05 PM 17/09/2021 |   Lượt xem: 4775 |   In bài viết | 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tiêu biểu dự Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc năm 2017.

“Thành tựu to lớn đạt được trong thời gian qua là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực vượt khó vươn lên của đồng bào; trong đó có sự đóng góp xứng đáng công sức, trí tuệ của người có uy tín, nhân sỹ, trí thức và doanh nhân DTTS. Vì lẽ đó, hôm nay chúng ta tổ chức Lễ Tuyên dương có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội và tính nhân văn sâu sắc này nhằm tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi”, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc năm 2017.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã chú trọng xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS như: Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới… Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chính trị.

Hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS và miền núi ngày càng được kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ngày một nâng lên. Năm 2016, cả nước có 68.781 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước; Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu là người DTTS, chiếm 17,4% tổng số đại biểu Quốc hội, cao hơn 8 người (gần 2%) so với Quốc hội khóa XIII. Đặc biệt, Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu là người DTTS, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỉ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người DTTS đạt 17,84%, cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của hai DTTS rất ít người là Lự và Brâu. Tại cơ quan Ủy ban Dân tộc có 02 công chức trúng cử là đại biểu Quốc hội khóa XV. Như vậy, trong 54 dân tộc, hiện chỉ còn hai dân tộc là Ơ Đu và Ngái chưa từng có đại diện tham gia các khóa Quốc hội. Tỷ lệ cán bộ DTTS được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là 8,75%; Khóa XII là 8,5%; Khóa XIII là 6,5%.

Ở các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 14,53% (nữ giới chiếm 49,2%); trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 10.398 người, chiếm 17,2%. Tỷ lệ cán bộ DTTS là đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009: cấp tỉnh là 20,23%, cấp huyện là 20,18%, cấp xã là 24,4%; nhiệm kỳ 2016 - 2021: cấp tỉnh là 16,91%, cấp huyện là 18,29%, cấp xã là 22,14%.

Đến hết năm 2019, đã có 50.969 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ; 22.229 lượt người được đào tạo, dồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và 10.516 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học văn phòng. Công chức, viên chức người DTTS được ưu tiên trong quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm vào hệ thống cơ quan Nhà nước.

Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng người DTTS; từng bước khắc phục tình trạng hẫng hụt nguồn cán bộ DTTS. Đội ngũ cán bộ đang dần được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc. Nhiều người DTTS trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được triển khai thực hiện đúng quy định, bảo đảm dân chủ, khách quan. Các cấp ủy, chính quyền chủ động xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, đảm bảo về cơ cấu, có sự đổi mới, có tính kế thừa và phát triển; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, nhất là công chức nữ trẻ tuổi, nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là cấp cơ sở.

Điểm nổi bật trong giai đoạn vừa qua, Ủy ban Dân tộc lần đầu tiên đã tổ chức được Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc với nhiều thành phần đại biểu đủ cho 53 DTTS ở 52 tỉnh thành phố vùng DTTS và miền núi với sự tham gia của 512 đại biểu là người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân tiêu biểu DTTS trên cả nước hội tụ về Thủ đô dự Lễ tuyên dương. Tại lễ Tuyên dương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh trong bài phát biểu: Đội ngũ nhân sỹ trí thức đã và đang có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; là lực lượng nòng cốt tiên phong trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí, giáo dục lịch sử và truyền thống dân tộc, giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn học nghệ thuật, các lễ hội truyền thống và chăm sóc sức khỏe cho người dân; nguyên Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ người có uy tín, nhân sỹ, trí thức, doanh nhân DTTS thực hiện tốt và phát huy vai trò của mình để xứng đáng với niềm tin yêu, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. “Những người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân người DTTS cần tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt, luôn sáng mãi ngọn lửa nhiệt tình từ trái tim với nhiều việc làm thiết thực có ý nghĩa góp phần làm cho rừng hoa người tốt việc tốt tỏa hương khoe sắc vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng vùng DTTS ngày càng phát triển nhanh và bền vững” - nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị.

Trước yêu cầu phát triển đất nước và vùng DTTS trong bối cảnh mới, để cán bộ, công chức người DTTS được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chính trị, đảm bảo nguồn lực để thực hiện chính sách. Trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới. Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Để đạt được mục tiêu, quan điểm về công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, trong báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 30/7/2021 của Ủy ban Dân tộc nêu rõ mục tiêu: Trên 95% cán bộ, công chức xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 95% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo khung đối tượng 4.

Nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, đồng thời khuyến khích sự tham gia chủ động của đồng bào DTTS, khơi dậy ý chí tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội vùng DTTS và miền núi; Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS; đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng an ninh vùng DTTS và miền núi.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đã và đang có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; là lực lượng nòng cốt tiên phong trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí, giáo dục lịch sử và truyền thống dân tộc, giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn học nghệ thuật, các lễ hội truyền thống và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tài liệu tham khảo: Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 30/7/2021 của Ủy ban Dân tộc.

Kim Hằng