Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, góp phần phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:00 AM 22/08/2021 |   Lượt xem: 956 |   In bài viết | 

Lễ ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030 giữa UBDT và Bộ KH&CN.

Giai đoạn 2012 - 2020, mục tiêu Chương trình phối hợp giữa UBDT và Bộ KH&CN là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, miền núi, vùng DTTS.

Triển khai mục tiêu trên, hai cơ quan đã xây dựng Kế hoạch thực hiện với 4 nội dung trọng tâm là: Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách dân tộc; Tăng cường tiềm lực KH&CN cho các đơn vị nghiên cứu thuộc UBDT; Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS; Thông tin KH&CN và tuyên truyền, nâng cao nhận thức...

Công tác phối hợp giữa hai ngành được triển khai quyết liệt và hiệu quả

Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 "Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” (Chương trình CTDT/16-20) là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, hiệu quả của UBDT và Bộ KH&CN trong việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược về Công tác Dân tộc đến năm 2020. Bắt đầu triển khai từ năm 2015, mục tiêu của Chương trình CTDT/16-20 là: Cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến DTTS, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến nay, đã có tổng số 51 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được triển khai thực hiện. Tổng kinh phí triển khai thực hiện Chương trình KH&CN cấp quốc gia CTDT/16-20 là 176,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN, các bộ, ngành liên quan, hàng năm kinh phí sự nghiệp khoa học cấp Bộ của UBDT không ngừng được tăng lên, đã giúp cho UBDT từng bước tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành nói chung và xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc nói riêng.

Đội ngũ cán bộ làm quản lý, nghiên cứu khoa học của UBDT được tham gia các lớp, khóa tập huấn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức có liên quan do Bộ KH&CN tổ chức hàng năm như: tập huấn, phổ biến các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực KH&CN; bồi dưỡng kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu viên khoa học; bồi dưỡng và tổ chức thi nâng ngạch nghiên cứu viên chính... từ đó góp phần nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ khoa học của UBDT.

Hội thảo “Vai trò KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030”, ngày 30/9/2020.

Nhiều Chương trình phối hợp tại địa phương đã mang lại kết quả tích cực

Đối với các địa phương vùng DTTS&MN, thông qua Chương trình phối hợp, các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng, triển khai thực hiện chính sách dân tộc cũng được tăng cường hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Các địa phương đã bám sát nội dung, hướng dẫn của Trung ương, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tình hình công tác dân tộc của từng địa phương. Từ đó, đã có 30/46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Dân tộc với Sở KH&CN. Các địa phương đã chủ động quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về nội dung Chương trình phối hợp, Kế hoạch thực hiện đến cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, các tổ chức đoàn thể cơ sở vùng DTTS&MN về vai trò của KH&CN trong giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)... Nhiều Ban Dân tộc đã đề xuất và trực tiếp chủ trì triển khai thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN. Sở KH&CN nhiều địa phương đã tích cực nghiên cứu xây dựng và ưu tiên đề xuất các đề án, đề tài ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng DTTS&MN. Tại một số tỉnh, sự phối hợp hoạt động đã thể hiện rõ nét và có hiệu quả, điển hình như:

Tỉnh Lào Cai đã thực hiện các đề tài Nghiên cứu giải pháp cảnh báo, phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra trên địa bàn dân tộc Dao tỉnh Lào Cai ; Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển KT-XH, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông tỉnh Lào Cai ”; Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao năng lực vai trò của người đại biểu dân cử là người DTTS trên địa bàn tỉnh Lào Cai ”...

Tại tỉnh Đắk Nông, việc phối hợp giữa Ban Dân tộc và Sở KH&CN được thực hiện ngay từ khi thành lập tỉnh, 2 cơ quan đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều nhiệm vụ KH&CN nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn như: Đề tài:  Hoàn thiện hệ thống chữ viết MNông - Việt, Việt - MNông”; “Văn hóa mẫu hệ MNông và sự tác động của nó đến quá trình phát triển KT-XH tại Đắk Nông hiện nay”; “Tri thức bản địa các tộc người thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông trong tiến trình phát triển xã hội tộc người”; “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông”...

Tỉnh Sóc Trăng ngoài các nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi, Ban Dân tộc và Sở KH&CN đã phối hợp đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 32 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan đến phục vụ xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc như: 03 đề tài liên quan đến việc phát huy tinh thần đại đoàn kết của 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và các đề tài: "Phong tục - lễ hội của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng”; "Nghiên cứu phương ngữ Khmer tỉnh Sóc Trăng”; "Xây dựng mô hình khai thác thông tin Internet phục vụ phát triển KT-XH địa phương tại các điểm chùa Khmer tỉnh Sóc Trăng”...

Cùng với các hoạt động nêu trên, Ban Dân tộc và Sở KH&CN của các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu hiệu quả cho UBND cấp tỉnh trong xây dựng, ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng KH&CN, thực hiện lồng ghép trong triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình sản xuất mới; tổ chức nghiên cứu phát hiện và lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả để tổ chức cộng đồng và người dân được tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm... tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất tích cực.

Công tác Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ góp phần tạo động lực phát triển cho vùng DTTS&MN

Từ khi Chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan được ký kết, công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS&MN ngày càng được mở rộng và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo động lực phát triển cho vùng DTTS&MN. Điển hình nhất đó là Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi giai đoạn 2000-2015” (Chương trình Nông thôn miền núi). Trong vòng 15 năm (1998-2015), Chương trình đã huy động 80 cơ quan KH&CN trung ương và lực lượng cán bộ KHCN của địa phương làm công tác chuyển giao công nghệ. Đã chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.725 cán bộ quản lý KHCN ở địa phương và tập huấn cho 236.264 lượt nông dân; sử dụng 128.643 lao động tại chỗ. Từ 845 dự án của chương trình đã xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất...

Tiếp nối thành công, giai đoạn 2016-2020, Chương trình ”Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS” được triển khai với mục tiêu: (i) Xây dựng được ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng DTTS, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng DTTS; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân;  (ii) Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS; (iii)  Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý và khoảng 2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, khoảng 80.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao.

Theo Báo cáo của Chương trình Nông thôn miền núi, giai đoạn 2016-2020 có 233 trong tổng số 402 dự án triển khai, dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN (chiếm 57,96% số nhiệm vụ của Chương trình) với kinh phí hỗ trợ trừ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương là 700.360 triệu đồng (chiếm 57,34%). Chương trình đã xây dựng được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh/thành phố nằm trong vùng DTTS&MN, trong đó, thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào người dân vùng DTTS như: Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng, Ê Đê, Khmer… đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực DTTS&MN. Hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý KH&CN, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng DTTS&MN... Bên cạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình, thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cấp tỉnh, đã có hàng trăm đề tài, dự án cấp tỉnh được nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS&MN.

TS. Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu tại Hội thảo Góp ý nội dung Công tác dân tộc trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Lần thứ XIII của Đảng, ngày 19/6/2020.

Chương trình phối hợp giữa 2 ngành giai đoạn 2021-2030

Xuất phát từ vai trò chiến lược của công tác dân tộc trong tình hình hiện nay và nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học phục vụ công tác dân tộc nhằm đổi mới chính sách dân tộc, giảm nghèo và KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ KH&CN giai đoạn 2021-2030 được triển khai với mục tiêu chủ yếu là: Tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về KH&CN để góp phần triển khai tổ chức thực hiện thành công chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước (Kết luận số 65KL/TW của Bộ Chính trị; Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030); Nâng cao nhận thức, trình độ năng lực về KH&CN cho cán bộ làm công tác dân tộc, KH&CN trong việc xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS, người dân vùng DTTS&MN về vai trò của KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển KT-XH và giảm nghèo bền vững; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thông tin, ứng dụng chuyển giao công nghệ, nhất là các KH&CN mới, phù hợp với đặc điểm đồng bào các DTTS và vùng đồng bào DTTS&MN phục vụ xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về CTDT. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, tiến bộ kỹ thuật...

Sự thành công của Chương trình sẽ góp phần vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS&MN.

Cao Cường