Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số
03:00 PM 20/08/2021 | Lượt xem: 2493 In bài viết |Qua 5 năm triển khai Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2015 - 2025, sự thành công bước đầu của Đề án đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng thụ hưởng, trong đó có người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn.
Ngày 01/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025. Mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để đổi mới về hoạt động của tổ chức thực hiện TGPL, nâng cao chất lượng người thực hiện TGPL, nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước nhằm bảo đảm cho người được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng. Nội dung Đề án gồm nhiều khía cạnh từ tổ chức đến hoạt động TGPL và lấy người được TGPL làm trung tâm để hướng đến bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Trên cơ sở các nội dung của Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 và Luật TGPL năm 2017 với định hướng là nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập trung thực hiện vụ việc TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được triển khai trên thực tế như: Ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý hàng năm; tăng cường phối hợp trong công tác TGPL; tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về TGPL...
Nội dung trọng tâm của công tác truyền thông là về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, về hệ thống tổ chức thực hiện TGPL sẵn có để nâng cao nhận thức của cán bộ Trung ương, địa phương, đặc biệt là nhận thức của người dân và các đối tượng thuộc diện được TGPL về vai trò TGPL, về các quyền và lợi ích của người được TGPL. Hình thức truyền thông rất đa dạng ở Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, Cục TGPL thực hiện truyền thông thông qua các bài viết trên website (của Bộ Tư pháp và Cục TGPL); các thông điệp về TGPL trên Đài tiếng nói Việt Nam; phát hành tờ gấp, tờ rơi giới thiệu về TGPL và cung cấp địa chỉ các Trung tâm trong toàn quốc để phát miễn phí đến người dân; thực hiện các phóng sự về một số vụ việc phức tạp, điển hình phát sóng trên truyền hình Việt Nam... Ở địa phương, các Trung tâm đã truyền thông trực tiếp thông qua các buổi TGPL về cơ sở hoặc thông qua biên soạn tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật để phát cho cán bộ và nhân dân giới thiệu về TGPL; phối hợp xây dựng chuyên mục về TGPL trên báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử của tỉnh, thành phố; cung cấp và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đặt hơn hàng nghìn Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng... Đồng thời, Trang thông tin điện tử TGPL Việt Nam cũng là diễn đàn để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng TGPL rộng rãi trên toàn quốc và là một kênh thông tin để người dân biết đến quyền được TGPL, tổ chức và hoạt động TGPL.
Hiệu quả hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý.
Một số kết quả đạt được của việc triển khai Đề án
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, với sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các Trung tâm TGPL nhà nước ở các tỉnh có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã tổ chức 159 lớp tập huấn với gần 16.000 người tham dự nhằm trang bị cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung các kiến thức chuyên sâu về Luật Trợ giúp pháp lý cũng như kỹ năng trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người nghèo, trẻ em...
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Trung ương đã bổ sung kinh phí cho các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thiết lập đường dây nóng về TGPL để người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS liên hệ khi có nhu cầu TGPL. Người dân gọi đến chủ yếu để phản ánh những khó khăn, vướng mắc về pháp luật phát sinh trong cuộc sống. Việc thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho “nhóm đối tượng yếu thế” tiếp cận pháp luật, tạo công bằng cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và tiết kiệm được thời gian, công sức.
Từ khi thực hiện Đề án, số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng nhiều so với thời điểm chưa đổi mới, năm sau tăng cao hơn năm trước: năm 2015 là 9.809 vụ, năm 2016 là 7.807 vụ, năm 2017 là 18.317 vụ, năm 2018 là 14.110 vụ, năm 2019 là 13.417, năm 2020: 15.250 vụ.
Từ năm 2015 đến tháng 6/2020, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện được 413.143 vụ việc trợ giúp pháp lý với 336.761 vụ việc tư vấn pháp luật, 64.741 vụ việc tham gia tố tụng, 1.786 vụ việc đại diện ngoài tố tụng và 9.855 vụ việc khác cho 413.143 đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó có 93.582 người nghèo, 104.160 người DTTS, 50.891 người có công với Cách mạng…
Để theo dõi, đánh giá và quản lý chất lượng công tác TGPL và vụ việc TGPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/08/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL. Thông tư này quy định tiêu chí đánh giá và xếp loại chất lượng vụ việc TGPL; trách nhiệm thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của tổ chức thực hiện TGPL và cơ quan quản lý nhà nước về TGPL. Cục Trợ giúp pháp lý đã xây dựng cuốn Tài liệu hướng dẫn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL nhằm hướng dẫn cách thức tổ chức và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo quy định của pháp luật hiện hành trên cơ sở đã đúc kết bước đầu kinh nghiệm thực tế của các địa phương trong những năm qua.
Nhìn chung, các vụ việc trợ giúp pháp lý đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn. Thông qua công tác TGPL, đã giúp đồng bào DTTS bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, trên cơ sở đó để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Một số hạn chế tác động đến việc tiếp cận với công tác TGPL của người DTTS
Địa bàn cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên người dân ít có cơ hội tiếp cận với các thông tin về TGPL, nhiều người chưa biết được quyền được TGPL của mình.
Do tâm lý truyền thống giải quyết các sự vụ theo thói quen và phong tục, tập quán của đồng bào DTTS. Đây là một rào cản lớn đối với người dân khi có lợi ích bị xâm hại nhưng không được tiếp cận với hoạt động TGPL.
Hiệu quả công tác truyền thông còn nhiều hạn chế: Kỹ năng truyền thông và các nội dung, phương thức truyền thông đôi khi chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng (người dân tộc, trẻ em, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình...) nên một số thông tin về TGPL chưa được truyền đạt theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, tạo ấn tượng để người dân hiểu và lưu lại thông tin về TGPL để tìm đến khi cần. Thời lượng và chất lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc điểm của từng nhóm dân cư, cũng như đặc thù của các vùng miền hay từng dân tộc khác nhau. Vì vậy, có tình trạng bỏ sót người thuộc diện được TGPL do một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt là nhóm người nghèo, người DTTS chưa biết đến TGPL.
Chất lượng và số lượng đội ngũ TGPL phát triển chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác TGPL trong tình hình mới. Rào cản về ngôn ngữ có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả TGPL cho đồng bào. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác dân tộc về TGPL còn hạn chế, chưa kịp thời để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để có những chính sách, giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động TGPL còn có những bất cập. Chưa có cơ chế phối hợp để huy động cho những người có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với người dân như: cán bộ xã, phường trên địa bàn, công an xã, trưởng thôn, cán bộ hòa giải, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, già làng, trưởng bản, người có uy tín… để giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người được TGPL có nhu cầu đến tổ chức thực hiện TGPL.
Kinh phí, cơ sở vật chất dành cho hoạt động TGPL còn nhiều hạn chế. Thực tế hiện nay kinh phí nghiệp vụ TGPL ở một số địa phương chưa bảo đảm thực hiện chi bồi dưỡng, thù lao thực hiện vụ việc TGPL, chi truyền thông để các địa phương tổ chức triển khai và đổi mới, hiện đại hoá các phương thức truyền thông cho phù hợp với đặc thù của địa phương. Nhiều Trung tâm TGPL nhà nước còn chưa được bố trí trụ sở thuận tiện với người dân như bố trí trên tầng cao hoặc chưa có phòng tiếp người được TGPL riêng...
Một số giải pháp để nâng cao chất lượng TGPL cho đồng bào DTTS
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về TGPL nói chung và quyền được TGPL của người dân nói riêng. Đa dạng hóa các phương thức truyền thông về TGPL (qua báo, đài phát thanh, truyền hình, Internet, ứng dụng trên thiết bị di động; biên soạn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, xây dựng video bằng tiếng dân tộc...) phù hợp với từng địa bàn, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là phù hợp từng nhóm DTTS.
Nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL (bao gồm cả trợ giúp viên pháp lý, công tác viên TGPL và luật sư tham gia thực hiện TGPL): Rà soát đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức phù hợp; đồng thời chủ động đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên viên pháp lý thành trợ giúp viên pháp. Đảm bảo chế độ, chính sách cho người thực hiện TGPL, tạo điều kiện khuyến khích đội ngũ những người thực hiện TGPL.
Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức TGPL với các cơ quan có liên quan, tạo cơ chế huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia TGPL của xã hội (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội...); Thiết lập mạng lưới tại cơ sở: UBND cấp xã; công chức tư pháp, hộ tịch; tổ hòa giải;cán bộ phụ nữ; công an xã; hội nông dân; hợp tác xã; các câu lạc bộ TGPL... để tăng khả năng tiếp cận TGPL của người dân, phát hiện và trợ giúp pháp lý kịp thời cho đồng bào DTTS. Nâng cao vai trò của già làng, trưởng thôn/bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS để tham gia công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS hiểu được việc cần TGPL để tăng khả năng tiếp cận TGPL và tích cực tham gia các buổi TGPL ở địa phương. Nâng cao vai trò công chức người DTTS tham gia tại các buổi TGPL để đồng bào cảm thấy yên tâm, tự tin hơn khi được TGPL...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống tổ chức TGPL. Thông qua đó cho phép nắm bắt, theo dõi, lưu giữ, tra cứu và quản lý được toàn bộ các thông tin về tổ chức và hoạt động TGPL bảo đảm kịp thời, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tổng hợp, thống kê, báo cáo và theo dõi, đánh giá chất lượng TGPL, từ đó đề xuất những chính sách, giải pháp TGPL phù hợp. Nghiên cứu xây dựng phần mềm trả lời tư vấn pháp luật tự động (bằng cả tiếng DTTS) đối với những vướng mắc pháp luật đơn giản: hướng dẫn các trình tự, thủ tục khai sinh, ly hôn, kết hôn… thông qua điện thoại hoặc trực tiếp tại các máy tính được đặt tại trụ sở của tổ chức thực hiện TGPL, nơi tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước để người dân dễ dàng tiếp cận với TGPL.
Thiết lập và duy trì đường dây nóng về TGPL (bằng cả tiếng DTTS) để người dân có thể gọi tới bất cứ khi nào nếu có tranh chấp, vướng mắc pháp luật và các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra, có thể thông tin sớm nhất cho tổ chức thực hiện TGPL ngay khi thụ lý vụ việc tố tụng.
Tăng cường vai trò giám sát, phản biện; duy trì chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất; Làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình hoặc có đóng góp tích cực cho hoạt động TGPL...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả TGPL, 100% người thuộc diện được TGPL, đặc biệt là đồng bào DTTS, sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được TGPL khi có nhu cầu, để bảo đảm việc tiếp cận và sử dụng quyền được TGPL, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
Cao Cường