GS.TS Trần Trung: Học viện Dân tộc tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, bồi dưỡng, đào tạo
10:03 AM 10/10/2021 | Lượt xem: 2228 In bài viết |Học viện Dân tộc (HVDT) được thành lập theo Quyết định số 1562/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Viện Dân tộc và Trường Cán bộ Dân tộc, là cơ sở giáo dục đại học duy nhất trực thuộc Ủy ban Dân tộc, có chức năng nghiên cứu về các dân tộc và chính sách dân tộc; đào tạo trình độ đại học và sau đại học góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS); bồi dưỡng kiến thức làm công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã phỏng vấn GS.TS Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc về những kết quả đạt được thời gian qua và định hướng chiến lược phát triển Học viện trong giai đoạn tới.
Phóng viên: Xin Giáo sư cho biết những kết quả đạt được của Học viện Dân tộc sau 5 năm thành lập?
GS.TS Trần Trung: Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự hỗ trợ hợp tác có hiệu quả của các Vụ, đơn vị trong và ngoài Ủy ban Dân tộc, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu với trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, viên chức, giảng viên và người lao động, HVDT đã từng bước phát triển, khẳng định được uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam với những kết quả chính sau đây:
- Về nghiên cứu và hợp tác quốc tế: Hoạt động nghiên cứu khoa học của HVDT đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, tham mưu cho UBDT xây dựng và tổng kết các đề án về chiến lược và chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Học viện đã thực hiện 35 đề tài, dự án cấp Nhà nước, nhiệm vụ cấp bộ và tương đương; số lượng các bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín trong những năm qua đã tăng lên. Tạp chí Nghiên cứu dân tộc được xuất bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cho 0,75 điểm. Về chất lượng nghiên cứu Học viện đã xác định được loại hình và khối lượng nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu có giám sát và đối sánh với minh chứng để công nhận. Hợp tác quốc tế bước đầu của Học viện đã đem lại hiệu quả thiết thực về nghiên cứu khoa học: Phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank); Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP),…
- Hoạt động bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc: HVDT đã phối hợp với các Vụ, đơn vị của UBDT và địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức thuộc đối tượng 3, 4 tại địa phương với 2.980 lượt người; tổ chức tập huấn giảng dạy kiến thức dân tộc cho giảng viên, báo cáo viên 1.456 lượt người. Học viện tổ chức được 03 khoá bồi dưỡng cho cán bộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia số lượng 90 học viên tại Việt Nam, tổ chức một số lớp tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia.
- Hoạt động đào tạo: Ngay sau khi được thành lập, HVDT đã tích cực, kịp thời triển khai các cam kết trong Đề án thành lập HVDT; nghiên cứu Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các quy định pháp luật có liên quan. HVDT đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức hoạt động đào tạo theo Quyết định số 2928/QĐ-BGDĐT ngày 14/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hệ dự bị đại học tuyển sinh là 23 học sinh. Học viện được phép đào tạo hệ đại học chính quy ngành kinh tế giáo dục vùng DTTS tại Quyết định số 134/QĐ-BGDĐT ngày 15/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và bắt đầu tuyển sinh đào tạo từ năm học 2021-2022 với 85 chỉ tiêu sinh viên.
Các cá nhân thuộc HVDT đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của UBDT giai đoạn 2016-2020 nhân dịp HVDT tổng kết năm 2020 và sơ kết công tác quý I năm 2021.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021-2030 đưa ra các mục tiêu cụ thể như thế nào?
GS.TS Trần Trung: Trên cơ sở kế thừa các kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế giai đoạn 2016-2021 về nghiên cứu, bồi dưỡng, đào tạo. HVDT đang xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao và thực tiễn công tác để xác định các trụ cột ưu tiên các lĩnh vực về nghiên cứu, bồi dưỡng, đào tạo. Việc xây dựng Chiến lược phát triển HVDT giai đoạn 2021-2030 phải phù hợp với bối cảnh quốc tế, trong nước về giáo dục đại học, bối cảnh của Ủy ban Dân tộc cũng như công tác dân tộc của Việt Nam, bối cảnh thực tế của Học viện Dân tộc nhằm thực hiện sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và các mục tiêu được phân kỳ cụ thể như sau:
+ Giai đoạn 2021-2025: Học viện Dân tộc tập trung thực hiện tốt chức năng bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; thúc đẩy đào tạo trình độ đại học gắn với lộ trình tự chủ với các chỉ tiêu cụ thể:
Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống cơ quan công tác dân tộc theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Chủ trì, phối hợp triển khai có hiệu quả nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức dân tộc và dạy tiếng dân tộc thiểu số thuộc nhóm đối tượng 3 và 4 theo Quyết định số 771/QĐ-TTg và của Tiểu dự án 5.2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia số 3.
Xây dựng kế hoạch tổng thể về nghiên cứu khoa học. Xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành và liên lĩnh vực. Xây dựng Đề án phát triển mạng lưới nghiên cứu với các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hợp tác quốc tế với các trường đại học có uy tín trong khu vực và quốc tê,
Đào tạo khoảng 7 mã ngành trình độ đại học phù hợp vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Quy mô tuyển sinh khoảng 150-200 sinh viên/năm, trong đó sinh viên thuộc diện chính sách do ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 50%. Xây dựng Đề án liên kết đào tạo trình độ đại học trong nước và quốc tế, đào tạo văn bằng 2 và dạy nghề cho vùng dân tộc thiểu số.
+ Giai đoạn 2026-2030: Học viện Dân tộc chuyển dần sang tập trung thực hiện chức năng đào tạo trình độ đại học; bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế gắn với lộ trình tự chủ với các chỉ tiêu cụ thể:
Đào tạo khoảng 10 mã ngành trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Quy mô tuyển sinh đại học khoảng 400-500 sinh viên/năm, trong đó sinh viên thuộc diện chính sách do ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 30%; đào tạo thạc sĩ khoảng 100 học viên, đào tạo tiến sĩ khoảng 10 nghiên cứu sinh. Mở rộng liên kết đào tạo trình độ đại học trong nước và quốc tế, đào tạo văn bằng 2 và dạy nghề cho vùng dân tộc thiểu số.
Tiếp tục thực hiện bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống cơ quan công tác dân tộc theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017. Chủ trì, phối hợp triển khai có hiệu quả nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức dân tộc và dạy tiếng dân tộc thiểu sô cho nhóm đối tượng 3 và 4 theo Quyết định số 771/QĐ-TTg và của Tiểu dự án 5.2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia số 3.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng thể giai đoạn 2026-2030 về nghiên cứu khoa học trong đó thể hiện được các lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn trong nghiên cứu. Mở rộng các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành và liên lĩnh vực. Phát triển và mở rộng mạng lưới nghiên cứu với các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, các đối tác khoa học quốc tế; Mở rộng hợp tác quốc tế với các trường đại học có uy tín trong khu vực và quốc tê.
Phóng viên: Để thực hiện các mục tiêu phát triển của Học viện Dân tộc trong giai đoạn 2021-2030, xin Giáo sư cho biết Học viện sẽ có những giải pháp gì?
GS.TS Trần Trung: Trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa chủ trương đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 88/2019/QH14 tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội ngày 18/11/2019 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; dự thảo Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. HVDT đang trình UBDT phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021-2030 với các giải pháp đột phá nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020, chủ động với các cơ hội và thách thức; thực hiện vai trò cơ quan nòng cốt của UBDT về công tác nghiên cứu các dân tộc, chiến lược và chính sách dân tộc; bồi dưỡng kiến thức làm công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; đào tạo đại học và sau đại học như sau:
- Hoạt động đào tạo: Xây dựng kế hoạch trung hạn và hàng năm về kế hoạch đào tạo. Xây dựng phương án thu hút nguồn tuyển sinh đại học. Đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo. Xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, hợp đồng, thỉnh giảng đảm bảo về số lượng và chất lượng. Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến. Xây dựng hệ thống các văn bản về người học nhằm đảm bảo cho người học. Tổ chức đánh giá hằng năm, đăng ký kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục năm 2026, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo 2 năm một lần.
- Hoạt động bồi dưỡng: Xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên từ Trung ương đến địa phương tham gia công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc và dạy tiếng dân tộc thiểu số cho nhóm đối tượng 3 và 4. Phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp của Học viện tham gia thực hiện công tác bồi dưỡng. Xây dựng hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, cơ sở vật chất và hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức dân tộc của Học viện Dân tộc.
- Hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế: Học viện Dân tộc chủ trì nghiên cứu các đề tài, dự án cấp quốc gia, cấp bộ và tương tương liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc. Tổ chức thành lập một số nhóm nghiên cứu mạnh. Triển khai các dự án khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu khoa học, học liệu. Hợp tác quốc tế với các trường đại học có uy tín trong khu vực và quốc tê, các tổ chức quốc tế.
- Tổ chức bộ máy, đội ngũ và loại hình đơn vị tự chủ: Xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy tổ chức của Học viện theo hướng tự chủ. Xây dựng khung năng lực và sắp xếp đội ngũ cán bộ theo đề án vị trí việc làm (Đến năm 2025, đội ngũ viên chức, giảng viên và hợp đồng lao động là 155 người, trong đó biên chế nhà nước giao cho Học viện ít nhất 85 viên chức. Đến năm 2030, đội ngũ viên chức, giảng viên và hợp đồng lao động là 250 người, trong đó biên chế nhà nước giao cho Học viện ít nhất 80 người). Học viện xây dựng Đề án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính. Xây dựng lộ trình chuyển dần hình thức hoạt động của Học viện Dân tộc từ đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.
- Cơ sở vật chất và tài chính: Xây dựng kế hoạch trung hạn và hằng năm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, bồi dưỡng, đào tạo của Học viện. Xây dựng Đề án chuyển đổi số tại Học viện Dân tộc, đầu tư hệ thống bồi dưỡng, đào tạo trực tuyến, xây dựng thư viện số phục vụ công tác dân tộc. Ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện Chiến lược; Học viện đa dạng hóa và tăng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ của Học viện.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn !