Hậu Giang: Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số
09:00 AM 22/08/2021 | Lượt xem: 2324 In bài viết |Tiếp nối những kết quả đạt được của Đề án các giai đoạn trước, ngày 29/6/2021, Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 (gọi tắt là Đề án).
Tỉnh Hậu Giang có 08 huyện, thành phố, thị xã; dân số hơn 769.000 người, trong đó có hơn 30.500 người DTTS (chiếm tỷ lệ 3,97%), chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa, Chăm… Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 494 tổ chức cơ sở đảng, 30.438 đảng viên, trong đó có 552 đảng viên người DTTS (chiếm 1,81%). Qua 4 năm thực hiện Đề án, công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh Hậu Giang được thực hiện chặt chẽ, nền nếp, đúng theo hướng dẫn; nguồn cán bộ quy hoạch đảm bảo theo quy định; tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, người DTTS có bước chuyển biến tích cực, đảm bảo các mục tiêu và xây dựng nguồn cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu hiện nay. Cụ thể như: Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cấp trên cơ sở đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 896 đồng chí, trong đó cán bộ nữ 211 đồng chí (tăng 53 đồng chí so với nhiệm kỳ 2015 - 2020); cán bộ trẻ dưới 40 tuổi là 409 đồng chí (tăng 94 đồng chí); cán bộ người DTTS 10 đồng chí; quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 2.783 đồng chí, trong đó cán bộ nữ 622 đồng chí (tăng 89 đồng chí so với nhiệm kỳ 2015 - 2020); cán bộ trẻ dưới 40 tuổi là 1.947 đồng chí (tăng 558 đồng chí so với nhiệm kỳ 2015 - 2020); cán bộ người DTTS có 17 đồng chí.
Để tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS được bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt ngày càng cao cần phải đào tạo, bồi dưỡng, mạnh dạn bố trí vào các vị trí chủ chốt phù hợp với năng lực, sở trường để họ có điều kiện khẳng định mình. Tỉnh Hậu Giang đã đặc biệt quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đối tượng cán bộ trẻ, nữ, người DTTS tham dự các lớp đào tạo về chính trị, đào tạo sau đại học đều vượt chỉ tiêu Đề án. Về đào tạo cao cấp lý luận chính trị có 618 đồng chí theo học, trong đó cán bộ trẻ 232 đồng chí, cán bộ nữ 153 đồng chí, cán bộ người dân tộc 02 đồng chí. Về đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính có 2.210 đồng chí, trong đó có 1.347 cán bộ trẻ, 805 cán bộ nữ và 35 cán bộ người DTTS, đạt 192,4% so với mục tiêu Đề án. Về đào tạo sau đại học có 424 đồng chí, trong đó, cán bộ trẻ 298 đồng chí, cán bộ nữ 108 đồng chí, cán bộ người dân tộc 12 đồng chí, vượt 9 lần so với mục tiêu Đề án. Nhìn chung, công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, gắn liền với bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đội ngũ cán bộ nữ, trẻ, người DTTS có sự trưởng thành về tư tưởng chính trị, phát huy được hiệu quả nhiệm vụ được phân công, nắm bắt lý luận vận dụng thực tiễn, tác phong lề lối làm việc khoa học.
Giai đoạn 2020 - 2025, mục tiêu của Đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của tỉnh có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm ngày càng cao hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đạt tiêu chí tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy bằng hoặc cao hơn quy định của Trung ương. Thực hiện đồng bộ, liên thông về tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ chủ chốt cấp cơ sở với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng cấp huyện trở lên. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS theo hướng đào tạo phải gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp, luân chuyển; lấy nhu cầu hiện tại của tỉnh làm khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Đối với cán bộ nữ không yêu cầu phải trẻ, nhưng phải đảm bảo độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển theo quy định hiện hành. Cán bộ người DTTS: Cán bộ là người dân tộc Khmer, Hoa hoặc các DTTS khác, không yêu cầu phải là trẻ, nữ nhưng phải đảm bảo độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển theo quy định hiện hành. Cán bộ chủ chốt cấp cơ sở: Các chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy cấp xã (bao gồm Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã) và cán bộ được quy hoạch vào các chức danh nêu trên.
Ngoài ra, Đề án cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như sau:
(1) Tăng tỷ lệ cán bộ trẻ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt 10% trở lên, tỷ lệ tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt 10 - 15%, phấn đấu có cán bộ trẻ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện đồng thời mục tiêu trên đối với cấp huyện và cấp xã.
(2) Tăng tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt 20% trở lên và tỷ lệ tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 20% trở lên; có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ các chức vụ lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện đồng thời mục tiêu trên đối với cấp huyện và xã.
(3) Phấn đấu tăng tỷ lệ cán bộ DTTS giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tham gia cấp ủy viên các cấp bằng hoặc cao hơn nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đối với các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống bằng mức bình quân của tỉnh (3,97%), phải có người DTTS tham gia cấp ủy cơ sở và cấp ủy cấp huyện.
(4) 100% cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và cán bộ được quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý tương đương trưởng, phó phòng cấp huyện trở lên.
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Đề án tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; tập trung thực hiện đồng bộ một số khâu trong công tác cán bộ, tạo bước chuyển biến thật sự rõ nét trong việc nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án tại các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực, đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, cùng với việc triển khai Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND tỉnh Hậu Giang triển khai đồng thời một số đề án như: Nâng cao chất lượng học tập ngoại ngữ cho học sinh và cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Thanh Hải