Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số

10:00 AM 10/09/2021 |   Lượt xem: 2142 |   In bài viết | 

Các thành viên HTX Nặm La, TP. Sơn La đang dệt các sản phẩm truyền thống (ảnh tư liệu)

Các hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi hoạt động có hiệu quả góp phần vào việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng dân tộc DTTS và miền núi; thực hiện hoàn thành các mục tiêu KT-XH được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực trạng số lượng và hoạt động của các HTX trong thời gian qua

Theo số liệu báo cáo, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020, số lượng HTX được tăng lên hàng năm. Năm 2013, cả nước có 10.410 HTX; đến năm 2020 là 17.462, tăng 7.052 (trung bình mỗi năm tăng 1.007 HTX). Số HTX được tăng nhanh theo các năm, tăng nhiều nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2013 có 1.167 HTX, đến năm 2020 là 2.517 HTX, tăng 1.350 HTX; trung bình mỗi năm tăng 193 HTX); đứng thứ hai là Đồng bằng sông Hồng (trung bình mỗi năm tăng 157 HTX); đứng thứ 3 là vùng Tây Bắc (năm 2013 chỉ có 435 HTX nhưng đến năm 2020 là 1.524 HTX; trung bình mỗi năm tăng 156 HTX) và cũng là vùng có đông đồng bào DTTS tham gia vào hoạt động của các HTX; tiếp theo là vùng Tây Nguyên (năm 2013 có 407 HTX, đến năm 2020 đã tăng lên 1.255 HTX; trung bình mỗi năm tăng 121 HTX), thấp nhất là vùng Đông Nam bộ (mỗi năm tăng trung bình chỉ có 54 HTX).

Tính đến hết tháng 6 năm 2021, cả nước có 34 tỉnh, thành phố có Liên hiệp HTX nông nghiệp với 78 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Địa phương có nhiều Liên hiệp HTX nông nghiệp nhất là TP. Hà Nội (8) và Sơn La (7)... Số lượng HTX cũng được phân chia theo lĩnh vực, tính đến tháng 6 năm 2021, cả nước có 17.777 HTX, hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề với số lượng khác nhau như: trồng trọt là 6.642 HTX; chăn nuôi 996 HTX; lâm nghiệp 181 HTX; nuôi trồng, khai thác thủy sản 995 HTX; diêm nghiệp 37 HTX; nước sạch nông thôn 36 HTX; dịch vụ nông nghiệp 8.005 HTX. Số lượng HTX có tăng nhưng không đáng kể, do ảnh hưởng của đại dịch Covid đã làm cho nhiều HTX hoạt động cầm chừng 885 HTX. Tỷ lệ HTX được đánh giá xếp loại ( theo Thông tư hướng dẫn số 09/TT-BNN-KTHT) khá tốt hiện nay khoảng 60%, loại trung bình chiếm 30%, còn lại 10% yếu, kém.

Năm 2020, doanh thu và lãi bình quân 01 năm của HTX nông nghiệp đạt 2,44 tỷ đồng, thu nhập bình quân của 01 lao động là 40,45 triệu đồng/năm.

Số lượng thành viên HTX là 3,05 triệu người (chiếm khoảng 34% tổng số hộ nông - lâm- thủy sản cả nước), trung bình 175 thành viên/ HTX nông nghiệp. Có 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, có khoảng 823 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 30% trong tổng số gần 5.000 sản phẩm OCOP cả nước; có 4.028 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.342 HTX trồng trọt, 74 HTX chăn nuôi, 74 HTX thủy sản, 223 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 04 HTX diêm nghiệp. Các HTX tập trung áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như: kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ tự động hóa; áp dụng công nghệ sinh học; ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp; ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý, kinh doanh.

Một số giải pháp

Để đảm bảo chủ động, định hướng đúng, bám sát chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới phát triển kinh tế tập thể HTX và công tác dân tộc trên địa bàn vùng DTTS và miền núi; Ủy ban Dân tộc và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thống nhất nội dung, chương trình phối hợp công tác số 45/CtrPH-UBDT-LMHTX ngày 22/01/2021, với một số định hướng lớn để chỉ đạo, phối hợp trong thời gian tới đó là:

Một là: Phối hợp trong công tác nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, thực hiện tốt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi; các chính sách, chương trình dự án, đề án phát triển KT-XH; các dự án bảo tồn và phát triển với các nhóm DTTS thông qua việc phát triển HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; Chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng DTTS và miền núi, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS, thu hút nguồn lực quốc tế để phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi; Tập hợp ý kiến nguyện vọng của đồng bào DTTS, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác vùng DTTS và miền núi để đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi.

Hai là: Phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động phổ biến, giáo dục đồng bào DTTS về kinh tế tập thể, HTX, về ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào về công tác dân tộc, về phát triển kinh tế tập thể, HTX; Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án tăng cường công tác thông tin phát triển KT-XH, tư vấn, vận động phát triển HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, xây dựng và tôn vinh tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong công tác dân tộc và trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; Xây dựng hệ thống tiêu chí thống kê, cơ sở dữ liệu về KT-XH, kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi.

Ba là: Phối hợp trong công tác đào tạo bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp vùng DTTS và miền núi về phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX; Đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thôn, bản về quản trị HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các dự án phát triển cộng đồng; Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người DTTS trong thời kỳ mới” theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là: Phối hợp triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ dự án, đề án của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, được chia thành 2 giai đoạn:

 Giai đoạn 2021-2025, tập trung vào việc xây dựng, triển khai thực hiện các nội dung thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi; Tư vấn, vận động thành lập mới 2.000 HTX vùng DTTS và miền núi; Xây dựng 200 HTX ứng dụng công nghệ cao sản xuất gắn với chuỗi giá trị; Xây dựng 05 trung tâm thương mại và hỗ trợ HTX tại các vùng chuyên canh sản phẩm chủ lực quy mô lớn; Tổ chức hội nghị, hội thảo hoạt động giao lưu học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể, HTX... theo khu vực, vùng miền; Xây dựng sàn thương mại điện tử phục vụ tuyên truyền, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của HTX; triển khai thực hiện chuyển đổi số với khu vực kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi phù hợp với Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đào tạo chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất.

Giai đoạn 2026-2030, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX, vùng DTTS và miền núi; Xây dựng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, tổng kết nhân rộng trong vùng DTTS và miền núi.

TS. Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế Hợp tác, Bộ NN&PTNT)