Một số giải pháp thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong mùa dịch Covid-19
12:00 AM 22/09/2021 | Lượt xem: 2950 In bài viết |Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến lao động, sản xuất, kinh doanh cả nước nói trung, trong đó có vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều lao động DTTS thiếu việc làm, giờ làm giảm hoặc phải nghỉ việc, không có thu nhập, đời sống khó khăn. Một số loại nông sản không ổn định, có lúc giảm mạnh, khó tiêu thụ đã gây ra ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất, kinh doanh trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa; hoạt động xuất nhập khẩu cung ứng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp.... kéo theo chi phí sản xuất, kinh doanh tăng.
Đây chính là những thách thức lớn trong phát triển sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm của cả nước nói chung trong đó có vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực trạng tình hình cung ứng nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay tại các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc thuộc các nhóm vấn đề cần được tháo gỡ như: Nguyên liệu đầu vào tăng và sản xuất bị đình trệ; Giá vận tải quá cao dẫn đến chi phí cao trong đầu cung; Nhà hàng, quán ăn, trường học đóng cửa giảm sản lượng cung cấp bị sụt giảm khoảng từ 30-50%, thậm chí còn cao hơn; kho bảo quản sản phẩm; không mua được vật tư chất lượng và giá vật tư quá cao; bao bì, nhãn mác giá cao; khó khăn về kỹ thuật; liên kết tiêu thụ sản phẩm giá bán bị giảm sút còn do thương lái ép giá, sản phẩm không tiêu thụ được nên rất cần có sự hỗ trợ trong khâu bán; Thiếu giấy tờ đi lại để lưu thông hàng hóa nông sản; Không có phương tiện hỗ trợ vận chuyển như (xe tải nhỏ, xe grap...); Đồng thời nguồn cung của cơ sở bị thu hẹp do thị trường đầu ra bị hạn chế. Mặt khác các chi phí vận chuyển tăng 20%; chi phí đầu vào mua thức ăn, con giống tăng; người và phương tiện lưu thông khó khăn dẫn đến người sản xuất gặp nhiều khó khăn và bị thu hẹp đầu ra nghiêm trọng.
Đặc biệt, vùng đồng bào DTTS và miền núi lại càng gặp nhiều khó khăn. Các điểm giao dịch gặp nhiều khó khăn, số lượng bán ra bị giảm mạnh (trứng giảm 40%, rau giảm 30%, thịt giảm 35%, cá, thủy sản các loại giảm 50%; các mặt hàng khác giảm từ 30-35%). Mặt khác, các nguyên liệu sản xuất đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng 10-15%, con giống tăng 20% trong ngành chăn nuôi. Các sản phẩm đến vụ thu hoạch như nhãn, chuối, cam, bưởi, ổi, dưa, na… có nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới.
Do dịch Covid 19 kéo dài nên việc tổ chức tập huấn và các giao dịch qua sàn đã giảm mạnh. Bình thường một ngày có khoảng 90-100 giao dịch thì nay đã giảm đi còn 50 giao dịch, kéo theo giảm mạnh các giao dịch thành công. Nhiều địa phương chưa bố trí cán bộ để hỗ trợ các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đưa các sản phẩm lên sàn.
Trước thực trạng khó khăn hiện nay, cần hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Để giải quyết được vấn đề này, cần có sự hỗ trợ nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý định hướng của Nhà nước, chính quyền địa phương, có kế hoạch, chương trình cụ thể, đồng bộ và thống nhất trong thực hiện công tác truyền thông thời gian tới, góp phần triển khai có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Thực hiện tốt Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đồng thời tập trung khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền bằng loa phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế đầy đủ, nhanh, chính xác. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào DTTS và miền núi, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của đồng bào trong lao động và sản xuất. Tập trung, ưu tiên toàn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông sản, hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo lưu thông thông suốt, hiệu quả an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ, tăng cường xuất khẩu nông sản. Hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông sản thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nông dân, người sản xuất nhất là đồng bào DTTS và miền núi về các phương thức sản xuất, cách phân loại, đóng gói, bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng cho tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh chuỗi liên kết từ người sản xuất đến người tiêu dùng sản phẩm, từ thành phố đến các tỉnh trong cả nước, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhằm thúc đẩy cung cấp nguyên liệu đầu vào chế biến và tiêu thụ sản phẩm chế biến.
Khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh trực tuyến giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp, trong việc tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng, trong đó chú trọng đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Có kế hoạch rà soát tổ chức sản xuất, quy mô sản lượng trong tình hình hiện nay, để có sự điều chỉnh hợp lý đối với các cây trồng, vật nuôi, nhất là các sản phẩm nông sản có tính chất mùa vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.
Chú trọng chế biến bảo quản nông sản, có sự phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông… Tăng cường tuyên truyền các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các Hội nghị kết nối, giao thương trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh, thành phố để tiêu thụ đảm bảo nguồn cung hàng hóa về tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua các HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi, ứng dụng công nghệ cao sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo khu vực, vùng miền; Xây dựng sàn thương mại điện tử phục vụ tuyên truyền, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của HTX; triển khai thực hiện chuyển đổi số với khu vực kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi phù hợp với Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đào tạo chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất.
Kim Hằng