Một số kết quả phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Hội Nông dân Việt Nam
10:53 AM 19/10/2021 | Lượt xem: 1937 In bài viết |CÂU HỎI:
Đề nghị quý cơ quan cho biết một số kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2013-2020 và định hướng trong giai đoạn 2021-2025.
TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO:
Trong giai đoạn 2013-2020, UBDT và Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong tham mưu đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 135; Chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định 2086/QĐ-TTg; “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” theo Quyết định số 498/2015/QĐ-TTg; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg; chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo các Quyết định số 2472/QĐ-TTg, 1977/QĐ-TTg, 633/QĐ-TTg và Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Đặc biệt là việc phối hợp tham gia xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ở các địa phương đã có 52/52 tỉnh, thành phố ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Dân tộc với Hội Nông dân; cùng với các sở, ban ngành liên quan tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng các Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Hằng năm, hai cơ quan đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân các dân tộc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về công tác dân tộc; tổ chức tuyên truyền các chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận...của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, hội viên nông dân, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: phối hợp với Báo, Đài phát thanh truyền hình địa phương; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới; Báo Dân tộc và Phát triển, tuyên truyền qua các Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, sinh hoạt chi, tổ Hội định kỳ; sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt các Câu lạc bộ nông dân…
Trung bình mỗi năm tổ chức được trên 400.000 buổi tuyên truyền cho hội viên nông dân tham gia (trong đó 100% hội viên nông dân là dân tộc thiểu số được tuyên truyền). Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, thúc đẩy tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc; bồi đắp thêm sự tin yêu của đồng bào dân tộc thiểu số dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc từ đó chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình hình nông dân, nông thôn ở vùng đồng bào DTTS cũng thường xuyên được quan tâm, chỉ đạo sát sao trong triển khai và thực hiện nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống vật chất, tinh thần còn khó khăn.
UBDT và Hội Nông dân Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ trong xây dựng một số mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS&MN. Từ năm 2013 đến nay, trong công tác phối hợp ở các địa phương đã triển khai nhiều Đề án, dự án và mô hình, các hoạt động hỗ trợ nông dân (vật tư, phân bón, vốn) phát triển kinh tế trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Công tác phối hợp kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được quan tâm phối hợp chặt chẽ, chủ yếu thực hiện ở các cấp cơ sở. Giai đoạn vừa qua, các cấp Hội Nông dân đã chủ trì, phối hợp tổ chức 499.090 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết và các văn bản liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, có 1.580 cuộc giám sát về các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân.
Qua triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2013-2020 giữa UBDT và Hội Nông dân Việt Nam cho thấy, hai cơ quan đã nghiêm túc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung phối hợp. Chương trình phối hợp công tác được các địa phương triển khai thực hiện một cách có hiệu quả. Việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình đã giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác tuyên truyền, công tác trao đổi thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân; công tác kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách dân tộc đã được hai cơ quan quan tâm phối hợp chặt chẽ. Qua đó, đã góp phần bồi đắp lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, tiếp tục xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với kết quả đạt được trong giai đoạn 2013-2020 hai cơ quan đã thống nhất một số nội dung và những định hướng chính trong giai đoạn 2021-2025 cụ thể là:
Phối hợp công tác trong tham mưu xây dựng các chính sách dân tộc, xây dựng các đề án, dự án hoặc trực tiếp thực hiện các dự án trong vùng DTTS. UBDT phối hợp, tạo điều kiện để Hội Nông dân Việt Nam triển khai Đề án “ Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS&MN” làm cơ sở vận động hội viên nông dân DTTS tham gia thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị trong vùng đồng bào DTTS&MN. Phối hợp xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, mô hình liên kết hệ, tổ hợp tác…hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế.
Phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm sản xuất giỏi cho nông dân vùng đồng bào DTTS&MN, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân DTTS phát triển kinh kế, văn hóa, xã hội xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm; dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, “ly nông, bất ly hương”, “làng trong phố, phố trong làng”…Phối hợp công tác trong trao đổi thông tin về tình hình nông dân, nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN, đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đảm bảo quốc phòng an, ninh;
Phối hợp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025; trong đó chú trọng một số dự án, tiểu dự án thiết yếu như:
Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt;
Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 3: “Đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN”;
Dự án 9: Đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn;
Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 10: “ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN”.
Bên cạnh những nhiệm vụ chính hai cơ quan cùng phối hợp thực hiện, đồng thời hai bên cùng có trách nhiệm đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng, hội viên và cán bộ triển khai trường trình ở các cấp Hội (Tiểu dự án 4 của dự án 5). Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về công tác dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ các cấp ( tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 5).
Thanh Hải