Một số kết quả thực hiện các chính sách đối với dân tộc thiểu số rất ít người
11:04 AM 16/09/2021 | Lượt xem: 1952 In bài viết |CÂU HỎI
Trong 15 năm triển khai thưc hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ các dân tộc thiểu số rất ít người phát triển. Xin quý cơ quan chia sẻ một số kết quả trong thực hiện chính sách đối với các dân tộc thiểu số rất ít người?
TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO
Từ năm 2006-2010, ngân sách Nhà nước đã bố trí 76,835 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho 5 dân tộc Si La, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm (có dân số dưới 1.000 người), trên cơ sở đó, cơ sở hạ tầng của các làng bản đã có sự thay đổi đáng kể, sản xuất và đời sống của người dân từng bước được cải thiện, chấm dứt được nạn đói, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.
Từ năm 2013-2018, thực hiện Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, ngân sách Trung ương đã cấp 419/1.042 tỷ đồng (đạt 40,1% kế hoạch) cho 03 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Các địa phương đã triển khai đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu, như điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, thủy lợi, cầu treo…; hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi; lắp đặt trạm truyền thanh không dây; duy trì hoạt động đội văn nghệ thôn bản; chiếu phim lưu động; hoạt động lễ hội truyền thống; tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới, tham quan học tập kinh nghiệm, mô hình sản xuất...
Chính sách Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025 được ban hành, nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các thôn, bản; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc; thực hiện các chính sách về giáo dục, y tế; đào tạo sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị ở thôn, bản vững mạnh; thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho 16 dân tộc rất ít người (dưới 10.000 người) ở 194 thôn, bản trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của 12 tỉnh. Do ban hành chính sách vào thời điểm kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được triển khai nên ngân sách TW chưa cân đối được nguồn vốn, đến cuối năm 2018 mới bố trí được 146 tỷ đồng vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện.
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” giai đoạn 2015-2025, từ năm 2016 đến nay đã cấp kinh phí hơn 27 tỷ đồng, tập trung xây dựng mô hình điểm tại 22 tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hoạt động truyền thông qua các cơ quan thông tin đại chúng... Nhờ đó, từng bước hạn chế và giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; góp phần hạn chế suy giảm chất lượng dân số, suy thoái nòi giống.
Chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo,học sinh, sinh viên DTTS rất ít người đã giúp trẻ em, học sinh thuộc các dân tộc rất ít người được học trong các trường mầm non, tuyển thẳng vào các trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp và tốt nghiệp phổ thông trung học được tuyển thẳng vào cao đẳng, đại học.
Dự án bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng DTTS đã tổ chức 20 lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, hỗ trợ bảo tồn làng, bản, lễ hội truyền thống các DTTS rất ít người.
Xuân Thường