Một số kết quả triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn I và phương hướng, giải pháp thực hiện Đề án giai đoạn II

10:56 AM 01/11/2021 |   Lượt xem: 3436 |   In bài viết | 

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số

Phóng viên: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020” (giai đoạn I) đã được tiến hành như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 439/QĐ-UBDT ngày13/8/2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020” (giai đoạn I) và văn bản số 834/UBDT-DTTS ngày 13/8/2015 gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh/thành phố về việc hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, và đề nghị UBND các tỉnh/thành phố giao cho Ban Dân tộc tỉnh là đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2015-2020. 

Hằng năm, Ủy ban Dân tộc xây dựng Kế hoạch triển khai và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giải đáp những vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và các văn bản hướng dẫn liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện Đề án.

Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, UBND các tỉnh/thành phố đã chủ động chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020”, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án từng năm để triển khai thực hiện.

Phóng viên: Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án, chúng ta đã thu được kết quả như thế nào, các chỉ tiêu đặt ra có được như mong muốn không?

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ: Qua 05 năm triển khai thực hiện Đề án, bước đầu thu được một số kết quả khá khả quan: Các cấp ủy, chính quyền các địa phương, trường học (trong đó có cả các trường Phổ thông dân tộc nội trú) đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ đối với việc triển khai thực hiện Đề án. Nhất là vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín, đội ngũ hòa giải viên đã kịp thời, tuyên truyền, giáo dục thuyết phục những trường hợp có thể thực hiện việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống đến nay đã giảm 4,7% so với năm 2014 (Năm 2014 là 26,6%, năm 2018 là 21,9%; bình quân mỗi năm giảm 0,94%/năm). Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 DTTS là 0,56%, so với tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2014 là 0,65% đã giảm 0,1% (bình quân mỗi năm giảm 0,02%/năm). Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, trong 6 vùng kinh tế - xã hội, Tây Nguyên tuy vẫn tiếp tục có tỷ lệ tảo hôn cao nhất năm 2018 là 27,5% nhưng cũng đã giảm 2,1% so với năm 2014; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% (giảm 5,1 % so với năm 2014) và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 22,4% (giảm 3,2 % so với năm 2014). Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%), là vùng có tỷ lệ người DTTS tảo hôn thấp nhất cả nước năm 2018 (7,8%). So với năm 2014, tỷ lệ tảo hôn của nam DTTS đã giảm được 5,9%, cao hơn so với mức giảm tương ứng của nữ DTTS là 3,6 % (năm 2014: nam 20,1% và nữ 23,5%). Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ nhận thức của đồng bào DTTS về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết được nâng lên rõ rệt.

Thông qua các hoạt động của Đề án, đồng bào DTTS được tuyên truyền sâu rộng hơn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, dân số và kế hoạch hóa gia đình...; mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ, dòng tộc tự giác chấp hành và thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cũng thực hiện tốt chính sách, pháp luật; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các bậc cha mẹ, học sinh cấp Trung học cơ sở trở lên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và các thanh thiếu niên trong cộng đồng. Chính vì vậy, trình độ dân trí và ý thức của người dân được cải thiện, nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, một số phong tục tập quán gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tiến tới được xóa bỏ.

Việc thành lập và triển khai thực hiện mô hình điểm ở địa phương đối với một số DTTS ở khu vực miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, nơi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền phổ biến, vận động đồng bào thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các tổ tư vấn, can thiệp và mô hình điểm đã giúp đồng bào DTTS nói chung và người dân trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm được cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình; có nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với cá nhân, gia đình và xã hội; từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương.

Những thông điệp về “tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống” đã phần nào đi vào cuộc sống của người dân và đồng bào vùng DTTS, nơi triển khai mô hình, họ đã nắm được, biết được các nội dung, hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản, các hình thức xử phạt khi vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Đặc biệt, việc thành lập tổ tư vấn với hầu hết là cán bộ thôn với sự hỗ trợ của cán bộ tỉnh, huyện, cán bộ xã đã làm tốt vai trò của mình là thường xuyên thực hiện truyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho các hộ gia đình trong thôn thường xuyên hoặc khi có phát sinh các trường hợp có thể dẫn tới tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc tại chỗ) đã đem đến hiệu quả cao. Ngoài việc tuyên truyền và tư vấn theo các hoạt động của mô hình, các thành viên còn biết lồng ghép trong các cuộc họp để tuyên truyền. Tổ tư vấn là những người am hiểu phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng của người dân, kết hợp với những kiến thức đã được tập huấn đã làm cho hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, góp phần tổ chức thực hiện tốt mô hình hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế bất cập như:

- Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã giảm, tuy nhiên, tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn còn thấp (năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ). Tình trạng tảo hôn của người DTTS năm 2018 đã có sự cải thiện so với năm 2014, tuy nhiên tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS luôn cao hơn nam ở tất cả các vùng, ngoại trừ Đồng bằng sông Hồng. Theo dân tộc, tỷ lệ tảo hôn cao nhất là Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%). Theo giới tính, tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS năm 2018 vẫn cao hơn so nam DTTS (năm 2018: nam 26,0% và nữ 27,1%).

- Trong những năm đầu (năm 2015-2016) triển khai thực hiện Đề án, ở một số địa phương: UBND tỉnh/thành phố vẫn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu, còn lúng túng, chậm chễ trong việc hướng dẫn, đề xuất xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án theo các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc.

- Về kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương, do ngân sách địa phương đảm bảo. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh miền núi còn khó khăn, chưa tự cân đối được nguồn kinh phí cho thực hiện Đề án, nên hằng năm đều phải chờ sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương. Do vậy, việc bố trí kinh phí để thực hiện chính sách còn nhiều khó khăn. Do thiếu kinh phí thực hiện nên việc lựa chọn đối tượng, địa bàn triển khai các hoạt động bị bó hẹp, các hình thức tuyên truyền bị hạn chế… dẫn đến hiệu quả không cao.

- Các cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện mô hình điểm ở cấp xã, thôn/bản đã được tập huấn, trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình phần lớn là cán bộ phụ trách công tác dân tộc, chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, thường xuyên bị thay đổi vị trí công tác, do đó, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân như một bộ phận không nhỏ trong đồng bào DTTS, nhất là đồng bào sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, hạn chế về trình độ văn hóa và phương tiện đi lại, rào cản về ngôn ngữ nên việc tham gia các hoạt động tiếp cận kiến thức về hôn nhân, gia đình và pháp luật còn hạn chế; Không có việc làm hoặc cần người để làm việc cũng là yếu tố góp phần làm tỷ lệ kết hôn sớm tăng. Đặc biệt đối với đồng bào sinh sống ở khu vực vùng DTTS, miền núi thì kết hôn sớm do nhu cầu về lao động là động cơ quan trọng. Những phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu ớt, hầu hết đều coi đây là chuyện riêng của từng gia đình. Thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ. 

Việc quản lý con em của phụ huynh chưa được quan tâm chú trọng, nhiều gia đình có sự buông lỏng con cái. Bên cạnh đó, công tác quản lý học sinh tại các trường Trung học phổ thông, Phổ thông dân tộc nội trú giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ; sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính… đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, nên xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.

Phóng viên: Để khắc phục những hạn chế trong giai đoạn I, phương hướng của giai đoạn II sẽ như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ: Kết quả thực hiện Đề án giai đoạn I cho thấy để Đề án đạt được chỉ tiêu đã đề ra cần có sự phối hợp thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát của các cấp, các ngành; sự đầu tư kinh phí từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã quyết định tích hợp nội dung của Đề án thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phương hướng triển khai thực hiện của giai đoạn II sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau:

(1) Tổ chức truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình. Tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật, về hôn nhân, về kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

(2) Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS.

(3) Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mở các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, đài truyền hình, đài tiếng nói và qua hệ thống thông tin, truyền thanh tuyến xã; tập trung cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống như Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Dân số & Gia đình...

(4) Duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

(5) Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình; Hỗ trợ, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tuyên truyền và ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và nhân nhân cận huyết thống ở vùng DTTS;

(6) Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bảo đảm các số liệu được cập nhật thường xuyên theo định kỳ 6 tháng, 1 năm, trong đó tách biệt theo giới tính, độ tuổi, vị trí địa lý, hoàn cảnh kinh tế, xã hội, trình độ học vấn và những yếu tố cơ bản khác.

(7) Làm tốt công tác kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án tại địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện.

Như vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta phải có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Tôi tin rằng nếu chúng ta chung tay làm tốt các nội dung, phương hướng đã đặt ra như đã nêu ở trên thì việc hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án có thể đạt được trong giai đoạn II này.